Chị Cao Thị Thương chăm sóc đàn gà

Nhiều hộ có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm

Gia đình anh Mai Xuân Dũng, ở thôn Hà An, xã Hương Phú (huyện Nam Đông) có hai sào đất trồng cam, mỗi năm anh thu nhập hơn 40 triệu đồng; chưa kể thu nhập từ nuôi gà, nuôi heo. So với những nơi khác có thể không là bao, nhưng tại vùng nông thôn Nam Đông, đó là một khoản thu nhập ý nghĩa.

Anh Dũng tâm sự: “Trước đây, khi chưa trồng cam, mỗi năm thu nhập từ vườn chưa đến 10 triệu đồng từ sả, ổi, các loại rau. Sau khi cải tạo vườn, tiến hành trồng cam kết hợp với chăn nuôi heo, gà; thu nhập của gia đình tăng lên nhiều, đủ tiền nuôi con ăn học và còn xây được nhà mới khang trang”.

Đến xã Hương Hòa, không ai không biết đến tài làm vườn của ông Phan Thế Xê và ông Nguyễn Đức Thạnh. Sau khi cải tạo vườn tạp, tiến hành trồng cam, mỗi năm thu nhập từ kinh tế vườn của hai ông này không dưới 50 triệu đồng. “Thương hiệu cam Nam Đông ngày càng được nhiều người biết đến. Giá trị quả cam cũng tăng lên và đầu ra cho vườn cam cũng ổn định hơn. Trong tương lai, nguồn thu từ vườn cam ở Nam Đông cũng tăng lên và sẽ có rất nhiều hộ gia đình khá lên nhờ phát triển kinh tế vườn” – ông Thạnh khẳng định.

Chị Cao Thị Thương, ở xã Hương Phú tâm sự: “Tôi làm vườn đã hơn 20 năm nay. Trước đây, vườn nhà tôi chỉ là vườn tạp, trồng lẫn lộn cả cây keo với chuối… nên thu nhập chẳng là bao. Sau khi được tuyên truyền, vận động về phát triển kinh tế vườn, tôi đã cải tạo vườn tạp, tiến hành trồng cam, nuôi gà và trồng xen một số cây khác, hàng năm thu lãi khoảng hơn 40 triệu đồng”. Mô hình kinh tế vườn của chị trở thành điểm tham quan, học tập của người dân xã Hương Phú và các xã lân cận.

Tuy có tiềm năng, nhưng các hộ làm vườn hiệu quả như anh Dũng, ông Thạnh, ông Xê, chị Hương chưa nhiều, tỷ lệ vườn tạp cao, sản xuất theo hình thức quảng canh kém hiệu quả.

Năm 2017, UBND huyện Nam Đông triển khai kế hoạch chăm sóc, cải tạo nâng cao giá trị kinh tế vườn. Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: “UBND huyện yêu cầu tất cả các xã, thị trấn tổ chức phát động phong trào cải tạo và chăm sóc vườn; đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có đất vườn phải tích cực đi đầu trong phong trào làm vườn để noi gương cho người dân làm theo”.

Mỗi thôn có 3 – 5 vườn mẫu

Theo ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Nam Đông đang phấn đấu đưa giá trị kinh tế vườn đạt bình quân 37 triệu đồng/ năm, tỷ lệ vườn đạt giá trị 40 triệu đồng/ha trở lên đạt trên 80%.  Mỗi thôn xây dựng từ 3 – 5 vườn mẫu để nông dân học tập, nhân rộng. Vườn mẫu có diện tích tối thiểu 700m2 – 1000m2, có hàng rào xung quanh, có trồng cây dài ngày xen cây ngắn ngày, có thâm canh và cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

Trong hướng xóa vườn tạp, người dân được vận động chuyển đổi vườn không thể trồng cây ăn quả sang trồng hoa màu, đậu các loại, mía và các cây thức ăn phục vụ chăn nuôi; không trồng các loại cây lâm nghiệp, công nghiệp dài ngày (keo, cao su…) trong vườn nhà mà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn.

Phòng NN&PTNT huyện cử lực lượng kỹ thuật nông nghiệp của huyện tăng cường định hướng cây trồng chính, cây trồng xen (phụ trợ), căn cứ tình hình đất đai và điều kiện của từng hộ, thảo luận với hộ gia đình để lựa chọn cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật làm vườn cho từng hộ. Huyện đã thực hiện phục tráng giống cam Nam Đông bằng vi ghép đỉnh sinh trưởng và nuôi dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật; tạo vườn nhân từ cây đầu dòng để sản xuất các giống chuối, gấc, dứa… đảm bảo chất lượng giống.

Hiện Nam Đông đã định hướng rõ cây trồng, vườn mẫu cho từng địa phương như: trồng cam ở các xã Hương Phú, Hương Hòa, Hương Lộc; trồng ớt, tiêu ở các xã Hương Hữu, Thượng Long.

Theo bà Hồ Thị Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, kế hoạch của địa phương sẽ tiến hành trồng mới khoảng 5ha cây dứa, 10 ha cam Nam Đông, 5 ha chuối và ngoài các cây trồng chính, tùy theo từng vườn mà bố trí các cây trồng phụ trợ như các loại đậu đỗ, ổi, ngô.

Bài, ảnh: Hào Vũ