Thực hiện phần hình ảnh về Huế xưa cho đêm nhạc “Nối vòng tay lớn”. Ảnh: NVCC

Anh chị có thể chia sẻ cùng bạn đọc về chương trình sắp diễn ra và có thể lý giải vì sao đêm nhạc này lại phối hợp với Trường ĐH Y dược Huế?

Xuất phát từ ý tưởng của lãnh đạo Trường ĐH Y dược Huế trong một buổi nói chuyện về đầu tư, GS. Cao Ngọc Thành – Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong tổ chức một đêm nhạc Trịnh trong tinh thần “Nối vòng tay lớn” khi các thế hệ trở về gặp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Nhận thấy đây là chương trình rất ý nghĩa nên gia đình phối hợp tổ chức.

Một chương trình về nhạc Trịnh gia đình thường đầu tư và chuẩn bị khá kỹ, quy mô của đêm nhạc có thay đổi khi chương trình nằm trong khuôn khổ đêm nhạc giao lưu của Trường ĐH Y dược?

Đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” có khoảng 20 tiết mục, trong đó có 3 tiết mục do các sinh viên, giảng viên của trường trình diễn; 2 tiết mục do ca sĩ Huế trình bày. So với các chương trình nhạc Trịnh trước đây, “Nối vòng tay lớn” đậm chất Huế, mang dấu ấn Trịnh Công Sơn những ngày ở Huế. Và sẽ có nhiều bất ngờ trong đêm nhạc này, một tiết mục biểu diễn chưa từng có... Chúng tôi muốn để khán giả tò mò một chút.

“Nối vòng tay lớn” sẽ diễn ra tại khuôn viên Trường ĐH Y dược Huế, dự kiến phục vụ khoảng 10 ngàn người. Thử thách của chương trình là mong muốn phục vụ cho cả giới mộ điệu nhạc Trịnh ở Huế và vùng lân cận. Đây là áp lực đối với đơn vị tổ chức cũng như lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Lần nào đêm nhạc Trịnh ở Huế cũng thu hút lượng người khá đông. Chúng tôi luôn trân trọng thịnh tình của người hâm mộ nhạc Trịnh nên sẽ cố gắng hết sức và lưu ý với trường kinh nghiệm kiểm soát từ những năm trước.

Chương trình miễn phí hoàn toàn nhưng sẽ có vé để kiểm soát an ninh trật tự. Điều vui nhất là các thành viên tham gia đêm nhạc trên tinh thần chung tay từ đơn vị tổ chức sự kiện, các ca sĩ nổi tiếng tham gia đến bộ phận âm thanh ánh sáng... nên chi phí tổ chức chỉ còn một nửa so với thường lệ.

Khán giả cả nước cũng thắc mắc là năm nay, một số đêm nhạc tưởng niệm như thường lệ không tổ chức, gia đình có thể chia sẻ lý do?

Tại đêm diễn, gia đình sẽ ra mắt quỹ học bổng mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hai đêm nhạc gây quỹ cho học bổng này. Học bổng nhận đơn từ các ứng viên có tài năng về âm nhạc nhưng chưa đủ điều kiện theo đuổi ước mơ. Hướng của học bổng Trịnh Công Sơn là để đào tạo nên những nhạc sĩ tài năng, đức độ...

Năm nay gia đình quyết định không tổ chức các chương trình lớn tưởng niệm anh Sơn vì muốn tập trung thực hiện dự án “Không gian Trịnh Công Sơn” sắp tới ở Huế (trừ chương trình của tập đoàn Thanh Niên và đường sách ở TP. Hồ Chí Minh). Riêng chương trình của Trường ĐH Y dược, gia đình nhận thấy rất ý nghĩa và thuận tiện nên đồng ý tham gia.

Gia đình có thể bật mí về dự án “Không gian Trịnh Công Sơn” và tiến độ thực hiện tại Huế?

Dự án xây dựng khu tưởng niệm Trịnh Công Sơn nằm bên sông Hương, thuộc phường Thủy Biều (TP. Huế). Nơi đây cũng sẽ có thư viện, bảo tàng, khu vực cắm trại, trưng bày các bức tượng về cố nhạc sĩ. Dự án đang bước vào giai đoạn thiết kế cuối cùng. Khâu quan trọng nhất là “Nhà nguyện tình yêu”, đó là ước nguyện của anh Sơn lúc còn sống. Dự án này nhận được sự ủng hộ rất lớn của văn nghệ sĩ, chính quyền, người hâm mộ. Việc còn lại của gia đình là làm sao thể hiện được ý tưởng, ước vọng của anh Sơn. Điều bất ngờ là khi nói về dự án này với một người cháu Trịnh Công Sơn ở Huế thì em này tiết lộ, ngày trước khi lên đàm đạo với những người bạn ở vùng thanh trà Thủy Biều, nhạc sĩ đã chỉ vào vùng bãi bồi tỏ ý rất thích và mong muốn sau này có một cái gì đó của mình sẽ đặt ở đây.

T.Ninh – T.Quyên