Khó có thể tìm thấy hình ảnh của nữ giới trên một con phố đông đúc ở bang Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Nikkei

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (LHQ), châu Á và Trung Đông có 2,24 tỷ nam giới, so với 2,14 tỷ nữ giới trong năm 2015, chênh lệch nam - nữ là 100 triệu người, tăng 70% kể từ năm 1985. Trong khi đó, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ chênh lệch nam - nữ lần lượt là 26 triệu và 3 triệu người cùng năm.

Tiềm năng bị bỏ lỡ

Tại Ấn Độ, lực lượng lao động, cũng như dân số và văn hóa do nam giới chi phối. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 27% vào năm 2014, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 50%.

Nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, khoảng 7% mỗi năm. Thế nhưng, sự mất cân bằng giới tính trong lực lượng lao động khiến đất nước bỏ lỡ một phần đáng kể tiềm năng tăng trưởng.

Theo một báo cáo do công ty McKinsey Global Institute công bố năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong bối cảnh kinh tế ổn định năm 2025 có thể cao hơn 60%, nếu nữ giới đóng vai trò tương đương nam giới trong lực lượng lao động.

"Phụ nữ là những lao động có năng suất, nhưng năng suất của họ không được thương mại hoá", bà Mriganka Dadwal, người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Delhi về trao quyền cho phụ nữ khẳng định.

Hiện nay, một số công ty nhận ra tiềm năng bị bỏ lỡ này và nhanh chóng bắt tay vào giải quyết vấn đề. Điển hình là Công ty Motherson Sumi Systems ở Noida, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), nơi đang sử dụng khoảng 2.900 công nhân, trong đó 58% là nữ giới. Công ty này cho hay, số lượng lao động nữ đang tăng lên hàng năm.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mới với định hướng giúp nữ giới tham gia vào lực lượng lao động ở Ấn Độ cũng đang gia tăng.

Không chỉ là tiền bạc

Tác động tiềm tàng của vấn đề mất cân bằng giới tính thậm chí còn vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, khi các nghiên cứu cũng chỉ rõ mối tương quan giữa tỷ lệ giới tính với các loại tội phạm.

Có thể kể đến Trung Quốc, một quốc gia khác đang đối mặt với sự mất cân bằng về giới tính. Theo ước tính của LHQ, nước này có tỷ lệ chênh lệch giới tính là 106,2 nam/100 nữ trong năm 2015.

Một nghiên cứu của Đại học Columbia năm 2013 cho biết, tỷ lệ tội phạm bạo lực ở đất nước này tăng lên cùng với tỷ lệ chênh lệch nam - nữ trong độ tuổi từ 16-25.

Ông Toru Suzuki, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu cấu trúc dân số, thuộc Viện Nghiên cứu dân số & An sinh xã hội Quốc gia Nhật Bản nhận định, mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến những nam giới không thể kết hôn, điều này có thể gia tăng tội phạm tình dục, bắt cóc trẻ em gái, cũng như nạn buôn người.

Ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng từ 106,2 nam/100 nữ năm 2000 lên 112,8 nam/100 nữ vào năm 2015 và dự kiến có 125 bé trai/100 bé gái đến năm 2020, theo Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).

Theo Nikkei, khi "thế hệ dư thừa" đến tuổi kết hôn, các phương pháp tìm kiếm bạn tình ít truyền thống có thể sẽ phát triển hơn. Tình trạng dư nam giới dẫn tới sự gia tăng của "cô dâu nhập khẩu", khi những nam giới địa phương chưa lập gia đình sẽ trả tiền cho các công ty môi giới hôn nhân để giúp họ tìm vợ, chủ yếu là từ những quốc gia láng giềng.

Mặc dù vấn đề mất cân bằng giới tính này không xuất hiện ở một số quốc gia mới nổi như Thái Lan, Indonesia và Philippines, một phần bởi vì những nước này có nền văn hoá mẫu hệ; những thay đổi nhân khẩu học chỉ riêng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, chiếm khoảng 60% dân số châu Á, sẽ ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của khu vực.

Ba quốc gia này cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh. Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính kiềm chế sự phát triển của mỗi nước, điều này cũng dễ dàng ảnh hưởng đến các nước láng giềng.

Theo ông Suzuki, khu vực công nên tiếp tục nỗ lực nhằm kiểm soát việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Ông Suzuki cũng chỉ ra sự cần thiết phải có mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, bởi nhiều cha mẹ hiện đang coi con trai là một hình thức "an sinh xã hội" cho tương lai.

Ông Suzuki nhấn mạnh: "Nếu cha mẹ có thể sống bằng lương hưu, họ sẽ không tiến hành phá thai được chọn lọc theo giới tính. Vì vậy, chúng tôi có thể khẳng định, sự mất cân bằng giới tính sẽ tự nhiên biến mất bằng việc đảm bảo an sinh xã hội đầy đủ".

LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei, Straitstimes & Nationmultimedia)