Chăn nuôi là một ngành kinh tế quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân mà còn sinh kế của nhiều hộ gia đình. Chăn nuôi không có lời, thậm chí lỗ chắc chắn chẳng người chăn nuôi nào còn mặn mà với nghề này. Nhưng với một số người chăn nuôi có đầu tư lớn hoặc chủ yếu sống với nghề chăn nuôi thì đây là bài toán nan giải. Đáng tiếc, chuyện heo rớt giá không phải lần đầu mới xảy ra, nhưng lần này giá heo giữ mức thấp kéo dài từ cuối năm ngoái, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Câu chuyện giá thịt heo bán thấp hơn giá thành nhìn ở góc độ thị trường rõ ràng do cung vượt cầu. Khi cung vượt cầu việc tiêu thụ ắt gặp khó khăn do lệ thuộc vào các thương lái. Hơn nữa khi heo đủ trọng lượng, đúng thời gian xuất chuồng nếu càng nuôi càng lỗ. Vậy là người chăn nuôi phải chấp nhận bán dưới giá thành để cắt lỗ. Nguyên nhân chính khiến cung vượt cầu là do những năm gần đây, việc đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung trên địa bàn toàn quốc phát triển khá nhiều, khiến tổng đàn lợn có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, ngành chế biến thực phẩm và thị trường xuất khẩu chưa có sự phát triển tương ứng.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, đến tháng 1/2017, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 198.764 con. Ngoài các hộ chăn nuôi, có 19 doanh nghiệp, trang trại đang hoạt động chăn nuôi với số lượng 3.545 con heo nái, 20.407 heo thịt; 9 trang trại đang làm thủ tục đầu tư.

Nhìn tổng quan, bất cứ một ngành sản xuất nào nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng phát triển mạnh cũng là điều đáng mừng. Nhưng  phát triển đến mức cung vượt cầu, người sản xuất thua thiệt lại là chuyện không tốt cần xem xét thấu đáo và có giải pháp kịp thời để tránh lặp lại. Nhìn ở góc độ người sản xuất, chăn nuôi con gì có lãi là họ đầu tư, nhưng đa phần lại ít hiểu biết về thị trường, chưa được trang bị về kỹ thuật. Kiểu đầu tư sản xuất theo phong trào luôn kèm theo rủi ro khó lường, từ năng suất, chất lượng thấp đến dịch bệnh và thị trường bấp bênh. Ở góc độ quản lý nhà nước, rõ ràng công tác dự báo, định hướng thị trường và hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất, kết nối giữa sản xuất với chế biến, giữa sản xuất và tiêu thụ chưa hiệu quả.

Để cứu ngành chăn nuôi lúc này không chỉ cần các giải pháp trước mắt như hạn chế tái đàn, hỗ trợ tìm đầu ra, khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi mà còn quy hoạch lại ngành chăn nuôi một cách khoa học; hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ để người chăn nuôi giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh…

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Khi giải được bài toán này ngành chăn nuôi mới có thể phát triển bền vững và người chăn nuôi an tâm sản xuất, sống được với nghề chăn nuôi.

Hoàng Giang