Lồng nuôi cá với hình dáng, vật liệu mới có nhiều đặc tính ưu việt

Hiện nay, tại các địa phương, lồng nuôi cá chủ yếu có hình chữ nhật hoặc vuông bằng lưới cước với kích cỡ 6-18 m³, được đặt chìm đáy hoặc cố định trên mặt nước bằng các cọc tre. Đa số các lồng nuôi chưa đảm bảo đúng quy chuẩn nên xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm mặt nước cục bộ, dễ rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh, việc lồng cá cố định khiến mức độ phát tán dịch cao. Đến mùa mưa bão, người nuôi cá lồng lại thấp thỏm lo âu bởi khả năng chống chịu của lồng cá kém.

Ông Nguyễn Cát, xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) chia sẻ: “Mỗi mùa mưa bão đến, tụi tui phải mất thời gian để giằng chống lồng cá nhằm hạn chế bị cuốn trôi. Nhưng khi gió to cũng đành chịu vật liệu làm lồng là tre nên dễ bị cuốn nếu dòng nước chảy xiết. Như mùa mưa bão năm vừa rồi, tui bị cuốn trôi mấy lồng cá”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng, chủ nhiệm DA cho biết: “Hiện nay, các lồng cá hầu như chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là về kích cỡ, hình thức, khiến hiệu quả sản xuất chưa cao, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa đáp ứng được định hướng sản xuất bền vững. DA nhằm tạo mẫu lồng cá phù hợp với nguồn nhân lực vùng đầm phá đồng thời kết hợp phổ biến mô hình nuôi xen ghép các loại cá có giá trị kinh tế cao”.

Lồng cá được thiết kế theo DA là loại lồng nổi, hình bát giác, khung lồng với kết cấu 2 hình bát giác, sử dụng ống nước ϕ 140mm, có thể tích 62 m³, đường kính 6m, các vòng bát giác được gắn kết với nhau bằng các cùm hoặc bản lề bằng inox; vòng lan can sử dụng ống nước HDPE ϕ 63mm, được giá đỡ bằng ống inox cao 30-50cm; lưới lồng sử dụng chất liệu nilon sản xuất từ Thái Lan, Nhật Bản được bán sẵn tại địa phương.

Để hạn chế nhược điểm của lồng cá truyền thống, năm 2014-2015 Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã thực hiện thành công DA khoa học công nghệ “Xây dựng mô hình quản lý và nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế cao bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển”. Dù DA này có những ưu điểm như, công nghệ lồng hiện đại với vật liệu bền, nổi, có thể di chuyển dễ dàng, chịu được sóng gió, tháo lắp dễ dàng. Song, giá thành rất cao và vật liệu làm lồng phải nhập từ nước ngoài nên không khả thi khi triển khai tại nhiều địa phương.

“Việc sử dụng các kiểu lồng truyền thống bằng lưới cước, khung tre, gỗ và sắt có thể tích nhỏ, không gian của lồng có nhiều góc chết khiến cá hạn chế hoạt động, thời gian sử dụng ngắn, không an toàn. Trong khi đó, lồng Đan Mạch chi phí cao nên DA mới này là sự kết hợp giữa những tính năng ưu việt của công nghệ lồng cá Đan Mạch và giữ giá thành sản phẩm phù hợp với người nuôi”, bà Hồng nói.

Bà Phan Thị Thu Hồng cho biết: “Ưu điểm của loại lồng mới này là có độ bền cao, dễ lắp ráp, dễ áp dụng, nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương. Giá thành cao hơn lồng truyền thống 4 lần nhưng đổi lại thể tích lồng cá cũng gấp 4 lần so với lồng cá bình thường”.

Được triển khai năm 2017, DA hứa hẹn  mở hướng đi mới cho người nuôi cá lồng. Ông Nguyễn Hữu Nam, thôn Thai Dương Hạ (xã Hải Dương), người tham gia DA chia sẻ, đây là loại lồng mới có nhiều ưu điểm hơn so với lồng cá được người dân làm trước đây. Hy vọng sẽ là cơ sở để người nuôi cá đạt được hiệu quả.

Lê Thọ