Dọc tuyến Quốc lộ về Quảng Thọ, tại một số lồng cá người dân vẫn tích cực chăm sóc, vớt thức ăn thừa trong lồng nuôi đưa lên bờ, lắp đặt hệ thống bơm nước tạo oxi.
Một số lồng cá chết nổi lềnh bềnh
Xã Quảng Thọ có hơn 600 lồng cá, mỗi lồng cá thịt có từ 300 đến 500 con; cá bột 2.000 con/lồng, có khoảng 300 lồng cá với hơn 24.000 con có trọng lượng trung bình 0,8kg chết, nhiều nhất ở 3 thôn La Vân Thượng và La Vân Hạ, Phước Yên. Với kinh nghiệm, một số người phán đoán có thể do tình trạng nước không được lưu thông dồn ứ các chất cặn bả, dẫn tới thiếu oxi cục bộ.
Ông Hoàng Công Thông, Trưởng thôn La Vân Hạ chia sẻ: "Tháng 3, tháng 4 hàng năm đều xuất hiện tình trạng cá chết do chuyển mùa nhưng số lượng không lớn. Năm nay, số lượng cá chết nhiều, tập trung vào đối tượng cá có trọng lượng từ 0,5 đến dưới 1,5kg, thời gian nuôi chừng 5 đến 6 tháng. Toàn thôn có 56 hộ nuôi với trung bình 90 lồng cá, trong đó ghi nhận có hơn 6.000 con cá chết được người dân đưa đi xử lý. Một số lồng cá chết hoàn toàn, ước thiệt hại về con giống khoảng 300 triệu đồng".
Người dân tăng cường thêm thức ăn cho cá
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu và đo các yếu tố môi trường, qua đó nhận thấy nồng độ oxi trong nước vào thời điểm sáng sớm rất thấp. Riêng về chất lượng nước chưa đủ điều kiện thực hiện. Phòng vẫn đang cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo sát địa bàn, hướng dẫn người dân tiến hành phun bọt nước tạo oxi vào sáng sớm, bổ sung thức ăn và vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cá, làm vệ sinh khu vực lồng nuôi giảm bớt các vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai quy định về nuôi cá lồng, bè trên sông, đầm của UBND tỉnh. Sắp tới, sẽ phối hợp với các xã, thôn tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi, giãn lồng nuôi".
Bài, ảnh: Hoàng Loan