Buổi họp báo thu hút các đại diện cơ quan, ban ngành, các nhà nghiên cứu và phóng viên các cơ quan báo đài đóng trên địa bàn tỉnh tham gia.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đánh giá cao sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ

Mở đầu buổi họp báo, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thông báo quá trình ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ và một số nội dung cơ bản của buổi họp hội đồng thẩm định bảo tàng này trong ngày 20/4. Sau đó, ông Võ Văn Quân, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ giới thiệu và chia sẻ một số thông tin liên quan đến ý tưởng ra đời Bảo tàng.

Sau hơn 2 tháng tiến hành cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động trưng bày, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ quy tụ trưng bày gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: tranh thêu, tranh thêu 2 mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu được thể hiện qua 3 chủ đề chính: “Cơ thể nghề thêu”, “Gương mặt nghề thêu” và “Một tiếng nói cho nghề thêu”.

Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ sẽ chính thức khai trương vào chiều 27/4. Thông qua các tác phẩm, Bảo tàng kể lại sự ra đời và phát triển của nghệ thuật thêu XQ bằng lời lẽ nghề thêu mang tính sử thi, tôn vinh người phụ nữ - chủ nhân của nghề thêu. Bên cạnh 3 chủ đề trưng bày chính, hàng tuần trên sông Hương, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ còn tổ chức các hoạt cảnh “Nghi lễ rước nước sông Hương" về đền “Hơi thở tổ tiên", giao lưu nghệ thuật truyền thống Huế.

Tại buổi họp báo, đa phần các ý kiến đánh giá cao sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ sẽ tạo thêm nét văn hóa và điểm nhấn du lịch độc đáo, làm cho khu vực trục không gian văn hóa trên đường Lê Lợi trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến liên quan đến phần ngôn ngữ chú thích của các bức tranh. Nhà báo Minh Tự (báo Tuổi trẻ) đặt câu hỏi về sự thay đổi, điều chỉnh của bảo tàng sau sự cố chú thích bức tranh thêu Nam Phương Hoàng hậu.

Ông Võ Văn Quân, người sáng lập Nghệ thuật thêu XQ cho biết đã điều chỉnh một số nội dung sau khi nghe sự đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, người dân và du khách. Bản thân ông và Bảo tàng sẽ luôn tiếp thu các góp ý chân thành từ phía mọi người để thay đổi,  xây dựng Bảo tàng hoạt động tốt hơn.

Tin, ảnh: Minh Tâm