Có thể nói đây là cuộc bầu cử mang tính lịch sử từ trước khi nó diễn ra, do một loạt các diễn biến bất ngờ nhất dù không mấy tích cực với nước Pháp. Các thống kê sát ngày bầu cử cho thấy tỷ lệ không đi bỏ phiếu có thể sẽ rất cao cộng thêm một loạt các biến cố trong thời gian ngắn vừa qua khiến đây là một cuộc bầu cử hết sức khó lường.
Các hòm phiếu trên nước Pháp mở cửa vào 8h sáng và đóng vào 19h, một vài địa phương đóng lúc 20h. Vào đêm qua, tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp và ở châu Mỹ, cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu sớm.
Ông Emmanuel Macron (Ảnh: Getty Images) |
Có 11 ứng cử viên tham gia vòng đua, trong đó 4 ứng cử viên sáng giá nhất là các ông: Francois Fillon đại diện cánh hữu ; ứng cử viên tự do Chủ tịch Phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron; Jean Luc Melenchon - Chủ tịch Đảng "Nước Pháp bất khuất" gồm đảng Cánh tả và đảng Cộng sản Pháp; Bà Marine le Pen Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia cực hữu.
Ngoài ra, còn 7 ứng cử viên, gồm cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon, đại diện đảng Xã hội cầm quyền; cùng các đại diện đảng "Đấu tranh vì nữ công nhân" ; đảng Liên minh nhân dân cộng hòa; đảng "Đoàn kết và Tiến bộ"; đảng "Nước Pháp đứng lên" …
Có tổng số 47 triệu cử tri Pháp đăng ký trong danh sách bầu cử. Tuy nhiên, tỷ lệ không đi bầu được dự đoán khá cao, theo các thống kê mới nhất có thể lên tới khoảng 28% cử tri không đi bầu do chán ngán trước tình hình kinh tế bất ổn, an ninh bị đe dọa, cũng như hàng loạt bê bối chính trị dính đến các ứng cử viên tổng thống. Nhiều người Pháp khẳng định không có gương mặt nào thực sự nổi bật để họ có thể trao gửi niềm tin. Tỷ lệ cử tri vắng mặt cao hay thấp sẽ là một yếu tố quyết định đối với cuộc bầu cử.
An ninh được siết chặt tại gần 67.000 địa điểm bỏ phiếu trước mối đe dọa khủng bố cao độ sau vụ xả súng tối thứ năm vừa qua. Nước Pháp phải huy động tổng lực 50.000 cảnh sát và hiến binh bổ trợ cho số 7000 thuộc lực lượng đặc biệt chống khủng bố Sentinelle.
Trong số 4 ứng cử viên dẫn đầu, cơ hội lọt vào vòng 2 được dự báo chắc chắn nhất sẽ thuộc về nữ Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu. Còn lại sẽ khá ngang sức giữa ứng cử viên cánh hữu cựu Thủ tướng Francois Fillon với ứng cử viên Emmanuel Macron ; cùng ứng cử viên Jean Luc Melenchon. Những thống kê vừa qua cho thấy sự nhỉnh lên, hạ xuống giữa ba ứng cử viên này khiến rất khó dự đoán.
Sau nhiều bê bối chính trị bị phanh phui liên quan đến cả 3 ứng cử viên dẫn đầu, ông Jean Luc Melenchon - Chủ tịch Đảng "Nước Pháp bất khuất" gồm đảng Cánh tả và đảng Cộng sản Pháp – trong lần thứ hai tham gia cuộc chạy đua vào Elysee- bất ngờ ghi điểm mạnh; nhờ khả năng hùng biện và thuyết phục cử tri cũng như do ông được đánh giá là nhân vật “trong sạch nhất" trong các ứng cử viên.
Ông Francois Fillon đại diện cánh hữu. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, sau vụ xả súng tối thứ năm vừa qua, tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon tăng mạnh do truyền thống cánh hữu cũng như cá nhân cựu Thủ tướng Francois Fillon được đánh giá là người có khả năng nhất trong việc dẫn dắt nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.
Do khả năng ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng 2 được khẳng định rất cao, nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia tại Pháp đã kêu gọi cử tri dùng lá phiếu một cách "hữu ích" trong vòng hai để bầu cho ứng cử viên không phải của đảng mình, để loại trừ nguy cơ nước Pháp có một Tổng thống cực hữu.
Mặc dù rất nhiều chuyên gia và người dân nhận định nếu ứng cử viên cực hữu trúng cử sẽ là thảm kịch cho toàn nước Pháp, song nguy cơ này vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn một khi rất đông cử tri không đi bỏ phiếu, trong khi lực lượng trung thành với bà Le Pen lại rất quyết tâm.
Căng thẳng và chán chường về nhiều mặt sẽ là bức tranh toàn cảnh của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, mà trước hết là vòng 1 ngày hôm nay./.
Theo VOV