Nữ cảnh sát Pháp trước tháp Eiffel trong ngày 23/4 - Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết theo đạo luật này, tất cả chính khách, nhà báo hoặc thậm chí thường dân cũng không được đăng tải bất cứ thông tin nào về các ứng viên.

Trong vài ngày qua, cánh báo chí được chính phủ Pháp nhiều lần gửi các bản hướng dẫn những điều được làm và không được làm. 

Bắt đầu từ 0g ngày 22/4 (giờ Pháp), tất cả những dòng twitter về ứng viên tổng thống Pháp đều không hiện diện; đài truyền hình không được đưa các phóng sự về ứng viên.

Vào thời điểm này, nếu một nhà báo phát hiện ra bê bối nào của ứng viên tổng thống thì anh ta cũng đành "bất lực" vì đã quá thời hạn đăng tải.

Pascal Jan, giáo sư Luật hiến pháp tại Bordeaux, nói với hãng tin AP: "Truyền thông không thể đăng các tin kiểu này. Nếu có bê bối nào của ứng viên, tất cả phải được phơi bày trong ngày thứ sáu (trước 24h ngày 21/4)".

Và "luật im lặng" này sẽ kéo dài tới 20h ngày 23/4 (giờ Pháp).

Mục đích của "luật im lặng" là để cử tri không bị chi phối bởi các bản tin, thống kê... từ truyền thông và tự họ có thời gian "tĩnh lặng" chọn người theo ý thích.

Luật này giờ đây cũng được áp dụng đối truyền thông mạng. Các ứng viên và những người làm chiến dịch của họ không được đưa thông tin lên mạng xã hội, dù là Facebook hay Instagram. Và theo luật, cử tri Pháp cũng không được bày tỏ "trạng thái" lên mạng rằng theo phe Cộng hòa hay Xã hội.

Được biết, câu twitter cuối cùng mà những người làm chiến dịch của ứng viên Francois Fillon viết là: "Chủ nhật, hãy bầu cho Francois Fillon".

Còn câu twitter cuối cùng của ứng viên cực hữu Marine Le Pen là lấy lại từ cô cháu gái: "Chủ nhật này, câu hỏi đi vào trọng tâm là: Ai có đủ dũng cảm để bảo vệ nước Pháp và người Pháp?".

Theo Tuổi trẻ