Nguồn vốn KC 2017 sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề dệt zèng và làm diều nghệ thuật

Thành lập từ năm 2010, HTX Dệt may thổ cẩm A Đớt (A Lưới) có 64 lao động, chuyên sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt. Nguồn lao động đông, nhu cầu thị trường nhiều, song đa số lao động chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nên năng suất thấp, sản phẩm lỗi chiếm tỷ lệ cao. Đầu năm 2017, HTX được Sở Công thương phê duyệt đề án KC hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất dệt thổ cẩm cho 30 lao động, kinh phí hỗ trợ 45 triệu đồng và thời gian đào tạo kéo dài 3 tháng.

Giám đốc HTX, bà A Viết Thị Tâm thông tin: “Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà có mặt tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Lạt với doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, HTX thường xuyên đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nên rất cần lực lượng có tay nghề. Vì vậy, nguồn vốn KC đã hỗ trợ kịp thời, giúp đơn vị tổ chức chiêu sinh và mở khóa đào tạo nghề để ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.”  

Năm 2017, từ nguồn vốn KC, Trung tâm KC & Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ triển khai hỗ trợ 16 cơ sở đầu tư thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề sản xuất diều nghệ thuật và cải tiến mẫu mã hàng lưu niệm cho 100 lao động. Trong đó, sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất bún cho làng nghề Ô Sa, xã Quảng Vinh; hỗ trợ thiết bị xay xát gạo giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Bắc An Gia, thị trấn Sịa (Quảng Điền); trang bị máy móc phục vụ sản xuất đệm bàng Phò Trạch, xã Phong Bình (Phong Điền), đầu tư thiết bị đóng tàu thuyền đánh bắt hải sản ở xã Lộc Trì (Phú Lộc); đầu tư máy móc sản xuất mật ong đóng chai ở thị trấn Khe Tre (Nam Đông)….

Phó Giám đốc Trung tâm KC & Tư vấn phát triển công nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng thông tin: “Chương trình KC năm nay có bổ sung thêm nội dung mới, đó là đầu tư trang thiết bị hỗ trợ xây dựng không gian sáng tạo hàng lưu niệm, quà tặng Huế. Trong đó sẽ hỗ trợ các cơ sở đầu tư máy in 3D và các thiết bị phục vụ sản xuất hàng mẫu. Đây là nội dung quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện lộ trình cải tiến hàng lưu niệm và quà tặng với mục đích vừa nâng cao chất lượng, vừa cải tiến mẫu mã và bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu của khách.”

Để thực hiện đề án này, quý II/2017, trung tâm sẽ thuê gian hàng trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để trưng bày sản phẩm thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm, đồng thời tổ chức đào tạo nghề diều nghệ thuật truyền thống Huế và tập huấn kỹ thuật thiết kế hàng lưu niệm, quà tặng cho các sinh viên khoa mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế.

“Hiện trung tâm đang triển khai khảo sát để thống nhất hỗ trợ một số thiết bị sản xuất hàng lưu niệm, quà tặng; đẩy mạnh khâu thiết kế và cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thông qua công tác đào tạo nghề. Một số sản phẩm ưu tiên hỗ trợ là diều nghệ thuật, mây tre đan, trúc chỉ, đệm bàng… nhằm từng bước thực hiện đề án xây dựng không gian sáng tạo hàng lưu niệm, quà tặng Huế theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng thông tin thêm. 

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh khẳng định: “Qua gần 10 năm triển khai, chương trình KC địa phương đã mang lại cơ hội đầu tư và ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến cho hơn 200 DN, cơ sở; đào tạo nghề cho trên 1 ngàn lao động và thiết kế nhiều mẫu quà tặng và hàng lưu niệm mới. Sự hỗ trợ này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí. Năm 2017, từ nguồn vốn KC, Sở chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác khảo sát, thẩm định các cơ sở, làng nghề để nguồn vốn KC phát huy hiệu quả.”  

Bài, ảnh: Thanh Hương