Nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt

Hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, nhiều người ví đây là một bảo tàng sinh học. Đầm phá có 714 loài; trong đó, 171 loài thực vật phù du, 37 loài động vật phù du, 54 loài thực vật, 230 loài cá… Theo thống kê của ngành thủy sản, qua ba thập niên, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giảm gần một nửa. Từ 4.500 tấn trước năm 1980, nay chỉ xấp xỉ 2.500 tấn. Phương thức khai thác thủy sản trên đầm phá có thể phân thành hai nhóm chính: Nghề khai thác cố định bao gồm nò sáo, đáy, rớ giàn, chuôm... Đây là loại hình khai thác ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Nhóm nghề khai thác lưu động cũng làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản không kém như: lừ xếp, te máy, giã, lưới rê 3 lớp càn quét cá con trong đầm. Nhưng nguy hiểm hơn cả là dùng xung điện và chất nổ để đánh bắt thủy hải sản đã tận diệt mọi sinh vật sống xung quanh....
 

Ngư dân cùng cán bộ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả tôm trưởng thành ra biển

 
Do nguồn lợi thuỷ sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bị khai thác quá mức nên số lượng tôm và cá bố mẹ tự nhiên ngày càng khan hiếm. Để có con giống cung ứng cho người nuôi, hàng năm các trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải nhập khẩu nguồn tôm, cá bố mẹ từ nước ngoài về chất lượng không đồng nhất; kiểm tra dịch bệnh khó khăn dẫn đến tôm, cá giống cũng không đạt yêu cầu.
 
Gần đây, diện tích nuôi chuyên tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh nên bà con ngư dân chuyển sang mô hình nuôi xen ghép tôm sú và cá dìa, kình, đối, ong... với diện tích khoảng 3500 ha năm 2013, điều đó đồng nghĩa với lượng cá giống cũng tăng theo. Năm 2005 về trước, nguồn tôm bố mẹ phục vụ cho sản xuất giống được khai thác từ tự nhiên. Tuy nhiên, vài năm trở lại, nguồn tôm bố mẹ khai thác tự nhiên trên địa bàn chỉ đủ phục vụ cho khoảng 20% nhu cầu của các trại sản xuất giống, nguồn còn lại phải mua từ các tỉnh khác, dẫn đến giá cả đắt đỏ, tôm giống kém chất lượng.
 
Tái tạo nguồn lợi thủy sản 
 
Góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và ven biển, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và vận động các tổ chức, cá nhân, năm qua Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thả tôm, cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở thủy vực lợ và mặn. Đồng thời, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các chi hội nghề cá tổ chức hội nghị tái tạo nguồn lợi thủy sản đến với người dân ở các vùng ven biển và đầm phá, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
Anh Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Góp phần cải thiện sinh kế cho ngư dân vùng ven biển và đầm phá, năm 2012, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã tổ chức 3 đợt tái tạo nguồn lợi thủy sản ở biển và đầm phá. Trong đó, đợt 1, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND xã Phú Diên (huyện Phú Vang) và Chi hội nghề cá Thanh Mỹ tổ chức thả 2.750 con cá dìa tại Khu Bảo vệ thủy sản Doi Chỏi. Đợt 2, đơn vị phối hợp với Chi hội nghề cá Vinh Thanh tổ chức thả 1.000 con tôm sú trưởng thành ra biển. Đợt 3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND xã Vinh Phú (Phú Vang), UBND xã Vinh Giang, Lộc Bình (Phú Lộc) và các chi hội nghề cá tổ chức thả cá tại 3 khu bảo vệ thủy sản, như: Khu Bảo vệ thủy sản Cồn Chìm xã Vinh Phú; Đập Tây Chùa Ma xã Vinh Giang và Hòn Núi Quện xã Lộc Bình. Đợt này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thả 195 ngàn con tôm sú cỡ 2-3 cm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang bị cạn kiệt.
 
Ông Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lộc Bình 1 (Phú Lộc) vui mừng: “Được Nhà nước quan tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản bà con tui rất phấn khởi. Sau khi thả tôm ở khu bảo vệ Hòn Núi Quện anh em hội viên thay nhau túc trực để bảo vệ. Miếng cơm manh áo là ở đó, tui sẽ phổ biến đến tất cả các anh em hội viên để họ hiểu rõ và nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
 
Công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản “chỉ một giọt nước giữa đại dương”. Tuy nhiên, để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước hết mỗi ngư dân cần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành sử dụng mắt lưới khai thác thủy sản theo đúng quy định của Nhà nước. Có như vậy, nguồn lợi thủy sản mới phát triển bền vững, cuộc sống của bà con ngư dân vùng ven biển và đầm phá mới ổn định lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: Thanh Thuận