Họa sĩ Trần Lượng

- Thời gian gần đây, việc giao lưu nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng mở rộng. Anh có thể nói gì về điều này?

-Sau chiến tranh, không ít các nghệ sĩ hàng đầu thế giới có ý tưởng đến Việt Nam. Họ nhắc đến Việt Nam với sự tò mò, yêu thương lẫn khâm phục. Thế nhưng, không phải dễ dàng để đưa nghệ thuật đến với Việt Nam. Cơ sở hạ tầng chính là rào cản đầu tiên. Việc giao lưu đòi hỏi sự hiểu biết tôn giáo, văn hóa của 2 bên; ngoài ra còn các vấn đề về hành lang pháp lý, kinh phí, sự đáp trả, giao lưu 2 chiều… Mặt này ta còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây, việc giao lưu văn hóa có phần mở rộng, nhưng để giao lưu có chất lượng hơn, chúng ta cần chú ý những điều mà tôi vừa đề cập.
- Anh nghĩ gì khi nói: nghệ sĩ Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi?
- Đó là điều dĩ nhiên. Ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... đều có những công viên, những phố đi bộ, thậm chí cả khu nhà máy rộng mênh mông dành riêng cho mỹ thuật mới thì ở ta vẫn chưa có một nơi nào như thế. Nghệ thuật mới không đến với công chúng theo con đường cái quan mà phải ứng biến mềm dẻo bằng cái gọi là không gian khác (Alternative art space). Không gian khác là làm được ở đâu có thể và phù hợp thì làm.

Tác phẩm "Nguyện ước" của Himiko Nguyễn và Trần Thị Thu Hà 
 
- Liệu chúng ta đã có biện pháp khắc phục bước đầu?
- Khó khăn thì toàn diện, nhưng điều kiện khó mà làm được tác phẩm tốt thì mới đáng quí. Mỹ thuật đương đại luôn biết sáng tạo một phiên bản mới phù hợp với không gian và thời gian mới. Tôi vui mừng khi thấy rằng, không phải là bất khả kháng trong việc đối thoại giữa nghệ thuật phát triển với người nghèo (khu vực không có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật chuyên nghiệp).

Tác phẩm "Cây rồng" của Lê Viết Trung
 
- Nhắc đến anh là nhắc đến những hoạt động tổ chức các triển lãm mỹ thuật đương đại cho họa sĩ trẻ. Gần đây, Huế cũng là đối tượng mà anh lựa chọn, anh có thể cho biết lý do?
- Là một nghệ sĩ, một curator, điều tôi mong muốn là những nền văn hóa tốt của quốc tế đến được với Việt Nam. Trước năm 2005, do gặp phải những vấn đề về hành chính, kinh phí… nên có rất nhiều sự kiện nghệ thuật chỉ được tổ chức tại Hà Nội. Sau năm 2006, những vấn đề ấy về cơ bản được giải quyết nên các sự kiện nghệ thuật có thể vươn dài đến TP Hồ Chí Minh. Tôi quan niệm, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật hàn lâm hạng nhất nên đem đến các trung tâm văn hóa Việt Nam, và tôi chọn Huế vì đây chính là trung tâm văn hóa miền Trung. Tôi nhận thấy, trong nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác, việc cảm nhận gián tiếp hay trực tiếp là rất quan trọng, tôi muốn đem đến Huế những sản phẩm nghệ thuật thật sự đạt chất lượng cao.

Tác phẩm "Bầu trời rác" của Trần Hữu Nhật và Nguyễn Duy Hiền
 
- Anh đánh giá như thế nào về sự tiếp nhận nghệ thuật của công chúng Huế?
- Với những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, việc tra cứu, bồi bổ là điều dĩ nhiên. Nhưng với công chúng bình thường thì sự nhiệt tình rất đáng được ghi nhận. Điều tôi nhận thấy ở công chúng Huế là sự mong mỏi và hào hứng đối với các sự kiện nghệ thuật. Tôi đánh giá cao khát vọng tìm hiểu nghệ thuật của công chúng Huế. Chính điều này đã phản ánh Huế là vùng đất văn hiến. Do môi trường giáo dục còn hạn hẹp, cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật còn hạn chế nên cách ứng xử của người dân với các tác phẩm nghệ thuật thiếu chuyên nghiệp và hàn lâm. Tôi nghĩ, đó cũng là điều dễ hiểu và điều cần nhất bây giờ chính là thời gian. Qua 6 kỳ tổ chức, có thể nói Festival Huế đã được nâng tầm, có chất lượng và bản sắc riêng. Đây cũng là một trong những dịp để chúng ta nâng tầm văn hóa đại chúng.
 
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
 
“Còn được biết đến trong vai trò là một curator, 10 năm nay, anh đã nỗ lực hết mình để tổ chức nhiều triển lãm đương đại cho các hoạ sĩ trẻ, đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng hơn. Gần đây, tên tuổi của hoạ sĩ Trần Lương được công chúng yêu nghệ thuật xứ Huế biết đến qua 2 sự kiện: anh là người tuyển chọn tác phẩm sắp đặt “Nặng bồng nhẹ tếch” tại Festival 2010 và là người đem triển lãm “Hành trình tới tương lai: mỹ thuật thế hệ mới Nhật Bản” đến Huế”.
 
 
Lý Hạnh