Sự tăng giá ở hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với dự kiến ban đầu như nhiên liệu khoáng sản, dầu thô, nhiên liệu khoáng sản, nông - lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến...\

Ảnh minh họa

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm cũng tăng mạnh hơn so với năm ngoái đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, ASEAN…

Với xu hướng thuận lợi cả về giá cả và thị trường, Bộ Công Thương nhận định, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.

Bởi trong quý I, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép. Đây là tiền đề để xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tốt hơn trong các tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo chu kỳ, thông thường kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đều giảm vào đầu năm, tăng vào giữa năm và đạt đỉnh vào cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.

Căn cứ vào các diễn biến trên, Bộ Công Thương dự báo, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn. Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế phân tích là do sự tăng giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào một số mặt hàng và thị trường.

Do đó, để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, phải có nội lực tốt để có nguồn hàng xuất khẩu.

Đánh giá về tình hình xuất - nhập khẩu quý I/2017, đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, kim ngạch xuất khẩu quý I có nhiều thuận lợi nhờ vào những yếu tố như giá tăng, nhu cầu các nước nhập khẩu tăng và các hiệp định thương mại tự (FTA) mà Việt Nam đã kí kết và đi vào thực thi đã bắt đầu phát huy hiệu lực.

Còn theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế trong nước, giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI.

Kim ngạch xuất khẩu của khối này tăng tới 20 điểm phần trăm trong vòng 10 năm qua, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng 3 - 4 điểm phần trăm, điều này cho thấy, Việt Nam vẫn chỉ làm thuê, đóng gói, gia công và nhân công giá rẻ.

Trước thực trạng đó, Việt Nam cần hướng đến một cái nhìn cầu thị, hiện thực hơn về tình hình xuất khẩu, tránh việc “tự ru ngủ” đã là một cường quốc xuất khẩu, trong khi đó giá trị gia tăng hàng xuất khẩu lại rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững hơn trong thời gian tới, cốt yếu chính vẫn là ở nỗ lực của các doanh nghiệp.

Khi tâm lý làm việc dễ, kiếm lời nhanh, đầu tư không nhiều, ít rủi ro vẫn còn bao trùm lên đại bộ phận doanh nghiệp, thì việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin và thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ là việc cấp bách, cần phải thực hiện ngay trong những ngày đầu quý II/2017.

Theo GD&TĐ