Theo dự báo của Bộ Công thương, khả năng tiêu thụ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Quý Tỵ 2013  tăng khoảng 20% so với các tháng bình quân trong năm và có thể tăng khoảng trên dưới 10-15% so với Tết Nhâm Thìn năm ngoái. Để góp phần bình ổn thị trường, thời gian qua ngành Công thương nói chung và các tỉnh, thành nói riêng đã triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán với tổng giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tại Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này, ước tổng giá trị hàng hoá dự trữ khoảng trên 810 tỷ đồng; trong đó, dự trữ bình ổn 20 tỷ đồng; dự trữ từ các DN trên 340 tỷ đồng; các chợ 50 tỷ đồng và nguồn dự trữ khác trên 400 tỷ đồng. Hàng hoá dự trữ là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân như: gạo, dầu ăn, thực phẩm tươi sống và chế biến… Theo cam kết, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá bán hàng theo giá trong hợp đồng hoặc giảm 10% so với giá bán thị trường…

Tuy nhiên, điều không chỉ các doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng đều quan tâm là các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vừa qua, TP Huế và một số địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động kinh doanh và kiểm soát giá cả thị trường. Đây là việc làm cần thiết và càng đến gần Tết càng cần tiếp tục đẩy mạnh.
 
Bên cạnh đó, để hàng bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng, việc tổ chức các kênh phân phối hiệu quả cần được chú trọng. Tôi từng chứng kiến cảnh khi siêu thị có đợt bán hàng giảm giá là các tư thương dùng nhiều cách lách quy định để thu gom hàng, đưa ra chợ bán lại cho người tiêu dùng. Nếu lặp lại tình trạng này, người tiêu dùng thực sự sẽ chẳng được lợi gì từ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ở thành phố đã vậy, ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa để đưa hàng hoá bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, cùng với việc bán hàng bình ổn, các doanh nghiệp tham gia chương trình cần tăng cường kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các trung tâm huyện, thị, nơi tập trung dân cư để người tiêu dùng được tiếp cận với những hàng hoá đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
 
Điều cuối cùng, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức nhận biết và từ chối sử dụng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái; đồng thời, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm để chung tay với các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý tốt thị trường.
Hoàng Giang