Một gác chăn đường ngang được nâng cấp tự động

Thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Ban An ninh trật tự đường sắt Thừa Thiên Huế, các bên đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời chính quyền địa phương, lực lượng công an các cấp trong bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Nhiều trường học ở gần đường sắt đã đẩy mạnh phong trào “Em yêu đường sắt quê em” và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh. Công an TP. Huế tổ chức cho 173 hộ dân sống dọc đường sắt cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông; tuyên truyền cho 4.000 học sinh, sinh viên và an toàn giao thông đường sắt…

Cùng với đó, các cấp, các ngành còn quan tâm đến việc vận động người dân tự giác chặt bỏ cây xanh, bụi rậm, dỡ bỏ hàng rào che khuất tầm nhìn đường ngang, hành lang bảo vệ an toàn cột tín hiệu; nâng cấp cảnh báo tại các đường ngang.

Năm 2016, trên tuyến đường sắt địa qua địa bàn xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 3 người, làm chậm các đoàn tàu 228 phút.

Ngoài ra, ý thức chấp hành giao thông đường sắt của một bộ phận dân cư còn hạn chế; tình hình vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, mở đường ngang trái phép, ném đất đá lên tàu, chăn thả gia súc dọc đường sắt vẫn còn xảy ra.

Tại các đường ngang có biển báo, đường dân sinh còn xảy ra các hoạt động ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt. Tình trạng trộm cắp vật tư, phụ kiện đường sắt vẫn xảy ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản hành khách đi tàu, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn chạy tàu.    

Trong năm 2016, các lực lượng đã kiểm tra 5 đợt về an toàn giao thông đường sắt trên toàn tuyến và đã phát hiện, lập biên bản 86 vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tin, ảnh: Thái Bình