Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark zuckerberg phát biểu tại một hội nghị của Facebook ngày 18-4 tại thành phố San Jose, bang California - Ảnh: Reuters |
Facebook thừa nhận tình trạng này xảy ra rõ nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã và đang diễn ra. Trên thực tế, sự thừa nhận này chỉ là việc xác nhận chính thức và công khai vấn đề mà từ lâu dư luận đã bức xúc.
Tuy nhiên đi cùng với việc thừa nhận, Facebook cũng cho biết giờ họ đã nắm được cách thức vận hành của những cỗ máy tuyên truyền đó và sẵn sàng có biện pháp ứng phó để từng bước chấm dứt tình trạng này.
Hơn cả tin giả
Trong nội dung sách trắng do nhóm chuyên gia bảo mật Jen Weedon, William Nuland và Alex Stamos của Tập đoàn công nghệ Facebook soạn thảo được công bố ngày 27-4, Facebook nêu cụ thể những thủ đoạn công nghệ tinh vi mà các tổ chức, chính phủ đã không tiếc tiền chi trả nhằm mục tiêu thao túng công luận để đạt những mục đích chính trị cụ thể.
Theo Facebook, các chiến dịch tuyên truyền kiểu này còn tệ hại hơn rất nhiều so với nạn tin tức giả. Trong đó có thể kể tới những thủ đoạn như gieo rắc thông tin, thu thập dữ liệu có mục tiêu, tạo tài khoản giả để phát tán, nhân rộng một quan điểm nào đó, gây mất niềm tin với một tổ chức chính trị và tạo hoang mang dư luận.
Trước thực trạng báo động này, Facebook cho biết tập đoàn này phải thay đổi và nâng cấp các giải pháp bảo mật, an ninh cho nền tảng mạng xã hội của họ.
Theo đó, ngoài những biện pháp bảo mật truyền thống nhằm đối phó với các hành vi sai trái như đột nhập trái phép tài khoản người dùng, cài phần mềm mã độc và đánh cắp thông tin tài chính, Facebook sẽ phải mở rộng thêm các biện pháp bảo mật khác nhằm đối phó với các thủ đoạn lợi dụng nền tảng của họ một cách tinh vi và xảo quyệt hơn, trong đó có hành vi thao túng các nội dung trên những diễn đàn trao đổi và tung tin lừa gạt người dùng Facebook.
Ngoài ra, mạng xã hội cũng lý giải về cách họ giám sát “nhiều tình huống” có đặc điểm tương tự với các chiến dịch thông tin từng xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo đó, họ đã lần ra được những “đối tượng hiểm độc” sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin chúng đánh cắp được từ các nguồn khác như tài khoản email “với ý đồ gây tổn hại uy tín cho các mục tiêu chính trị cụ thể”.
Theo đó, một trong những thủ đoạn nổi bật của nhóm “đối tượng hiểm độc” kiểu này là xây dựng các trang web chuyên đăng tải những dữ liệu đánh cắp được, sau đó lập ra những tài khoản mạng xã hội và các trang kết nối trực tiếp mọi người tới những trang web đó. Song song những động thái này, nhóm “đối tượng hiểm độc” còn tạo ra các tài khoản Facebook giả mạo để bịa đặt, phát tán nhiều câu chuyện và các đề tài liên quan tới những đề tài có trong các dữ liệu bị đánh cắp.
Cần kỹ năng truyền thông
Facebook không nêu đích danh việc họ đang đề cập tới dữ liệu bị đánh cắp nào, nhưng đương nhiên nhiều người còn nhớ chuyện hàng ngàn email bị đánh cắp từ tài khoản Gmail của chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông John Podesta, sau đó bị tung lên trang web WikiLeaks.
Cũng như thế, trong sách trắng vừa công bố, Facebook không nêu cụ thể quốc gia nào đã lợi dụng và thao túng nền tảng mạng xã hội trong chiến dịch tuyên truyền của họ, nhưng thừa nhận kết quả điều tra của Facebook “không mâu thuẫn” với các kết quả trong báo cáo hồi tháng 1 năm nay của giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, trong đó khẳng định sự can thiệp của Nga với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ Mỹ cũng nêu quan điểm cho rằng sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể không gây ảnh hưởng lớn và rộng như người ta vẫn nghĩ, vì “phạm vi tiếp cận của những chiến dịch thông tin đã biết trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 thống kê được là rất nhỏ so với số lượng tổng thể những can thiệp khác trong các vấn đề chính trị”.
Facebook cam kết sẽ giám sát mọi âm mưu cũng như thủ đoạn thao túng mạng xã hội. Tập đoàn này khẳng định sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật mới để mau chóng xác minh những tài khoản giả mạo, nâng cao nhận thức của những người thuộc nhóm có nguy cơ bị tấn công trong việc bảo mật thông tin và tài khoản của họ, đồng thời hỗ trợ các dự án nâng cao kỹ năng đọc hiểu truyền thông trong cộng đồng.
Đáng chú ý, Facebook cũng cam kết trong sách trắng sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ phụ trách an ninh cho các cuộc bầu cử để có thể gửi cảnh báo tới những người có thể bị thao túng, tấn công.
Mặc dù phác ra rất nhiều cách thức sẽ được triển khai để dẹp bỏ các thủ đoạn lợi dụng nền tảng mạng xã hội làm cỗ máy tuyên truyền, Facebook cũng thừa nhận tất cả phương thức ấy sẽ không hiệu quả nếu họ đơn thương độc mã trong cuộc chiến này.
Sách trắng của Facebook khẳng định: “Rốt cuộc, các xã hội sẽ chỉ có thể kháng cự với mọi chiến dịch tuyên truyền của bên ngoài nếu mọi công dân trong đó được trang bị các kỹ năng truyền thông căn bản để có thể tự phân biệt giữa tin thật và tin giả, hiểu được động cơ của những kẻ tung tin thất thiệt”.
Một trong những nỗ lực đáng kể nhất của Facebook thời gian qua là việc tập đoàn này đóng 30.000 tài khoản ở Pháp trước khi cuộc bầu cử tổng thống nước này diễn ra. Facebook cho biết những trường hợp bị xem xét đóng tài khoản trước tiên trong chiến dịch lần đó là các tài khoản có số lượng thông tin đưa lên quá lớn và số lượng người theo dõi quá đông đảo. |
Facebook cam kết gỡ bỏ thông tin độc Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn chiều 26-4, bà Monika Bickert, giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của Facebook, đã khẳng định: “Tất cả những nội dung như tài khoản giả mạo, phỉ báng, tấn công thù địch... sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook. Facebook cam kết sẽ gỡ bỏ nếu nhận được thông tin như vậy”. Phát biểu trong cuộc gặp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay hiện Việt Nam có hơn 92 triệu dân thì có 70% dân số sử dụng Internet, khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook. Theo ông Tuấn, ở Việt Nam có một số đối tượng lập tài khoản Facebook không chính danh. Có người vi phạm pháp luật nghiêm trọng như hoạt động kích động chiến tranh, bạo lực, xâm hại trẻ em, xâm phạm đời tư của cá nhân, tổ chức hoặc xúc phạm nhân phẩm người khác, xâm hại quyền phụ nữ... |
Theo Tuoitre