Điểm đặc biệt, các tác phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ khung gỗ đến khung lồng kính, từ chữ viết mực tàu đến chữ khắc nổi, chữ khắc chìm, từ chữ Quốc ngữ cho đến chữ Nôm, chữ Hán. Ở một vài tác phẩm, nhà thư pháp còn đính kim tuyến trên từng nét chữ. Ông Lê Thiên Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư Pháp Hải Phòng, là một trong những “ông đồ” tại dịp Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, cho hay: “Nét chữ nết người, có thể nói thư pháp là đỉnh cao của viết chữ. Người viết thổi hồn cốt, tâm tư vào từng nét chữ. Đặc biệt, được viết thư pháp bên dòng sông Hương thơ mộng khiến tôi bồi hồi, cảm xúc dâng trào”.

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý bên nghiên mực

Không chỉ trưng bày triển lãm, tại Không gian Thư pháp, du khách được các nhà thư pháp “cho chữ”. Những nét bút “phượng múa, rồng bay” làm nao lòng du khách. Ông Nguyễn Văn Minh, du khách đến từ Lào Cai chia sẻ: “Tôi là một người mê thư pháp nên bị cuốn hút lúc nào không hay. Ở đây có nhiều tác phẩm giữ được cốt cách của thư pháp cổ, lại pha trộn dáng dấp của hội họa, đẹp nghệ thuật và tao nhã. Tôi được một nhà thư Pháp tặng chữ Huế, lại vẽ nên gương mặt chữ điền e ấp của cô gái Huế bằng chính các nét chữ, rất độc đáo”.

Hoạt động “cho chữ” tại Không gian Thư pháp

Mặc dù trời mưa lất phất, chị Thúy Vy (trú tại phường Thuận Lộc, TP. Huế) vẫn cùng chồng đưa con đi tham quan Không gian Thư pháp. Chị chia sẻ muốn cho các con hiểu thêm về các giá trị nguồn cội. Hai bé được nhận chữ từ “ông đồ” tỏ ra rất vui và thích thú, luôn miệng hỏi về ý nghĩa của chữ viết được tặng.

Theo các nhà thư pháp, viết thư pháp là tinh hoa nghề, thể hiện bàn tay vàng và trí tuệ người viết, mang những giá trị chân thiện mỹ, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tin, ảnh: Thu Huế