Trên cơ sở của những kết quả đã đạt được và tiếp tục xác lập, tạo dựng diện mạo mới cho đô thị mới trong tương lai, năm 2013 đã được tỉnh xác định tiếp tục là năm đô thị với một khối lượng công việc rất lớn như hoàn thành điều chỉnh quy hoạch đô thị Huế, ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị Huế, Thuận An, thị xã Hương Thuỷ và Hương Trà, thị trấn Sịa, trục Quốc lộ 1 A; ưu tiên ngân sách đầu tư các tuyến giao thông chính kết nối đô thị Huế đến đô thị vệ tinh và các vùng kinh tế động lực. Riêng TP Huế, các công trình trong năm đô thị cũng đã được tỉnh xác định đầu tư để chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía bắc, phía nam và sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu, hoàn thành việc chỉnh trang các tuyến đường Điện Biên Phủ, Đống Đa...

 

Tất cả những việc trên được xác định trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực, gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Cũng xuất phát từ yếu tố nếp sống văn minh đô thị này, theo chúng tôi, đây là yếu tố cần được xã hội nhiều nhất, bắt đầu từ ý thức công dân của mỗi người. Và nếu phần lõi cũng được xác định từ ý thức thị dân, bắt đầu từ TP Huế đến thị xã, thị trấn thì điều cơ bản và đầu tiên phải là ý thức của cán bộ, công chức như một đầu tàu, được thể hiện cụ thể trong nếp sống, thói quen, trong văn hoá công sở và văn hoá cộng đồng. Có khi nó chỉ là những việc tưởng như là quá nhỏ như không hút thuốc nơi công cộng, không “đánh cắp” thời gian làm việc, không uống bia vào giờ nghỉ trưa hay đơn thuần chỉ là xả rác/đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, hay đơn giản nhất là nhớ giữ gìn chính mình khi không xả hoá đơn bừa bãi ở các điểm ATM – điều mà các công chức và người làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp thường “thể hiện” mình nhiều nhất.

 

Những điều này cũng chỉ là một tiêu chí rất nhỏ nhưng lại có sức tác động và lan toả rất lớn trong đời sống đô thị.

Hạnh Nhi