Trước đó, các tổ chức và cộng đồng cũng đã thể hiện sự chia sẻ với người dân bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thu mua với giá cao hơn thị trường 5000đ/kg; mở các điểm bán thịt heo sạch giá rẻ để đưa đến tận tay người tiêu dùng như ở Đồng Nai; tăng thêm lượng thịt vào khẩu phần ăn hàng ngày; vận động và kêu gọi sự hỗ trợ để trẻ em vùng cao có thêm chất dinh dưỡng vốn đang còn thiếu vào bữa ăn hàng ngày của Cơm có thịt… Cộng với việc (dù còn dè dặt), thịt lợn đã bắt đầu có dấu hiệu xuất được sang Trung Quốc, những động thái này đã làm ấm hơn thị trường thịt lợn và cuộc giải cứu cho người chăn nuôi đã có những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, giải cứu cũng chỉ là giải cứu. Mặt khác, nó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, trước mắt, trong giai đoạn ngặt nghèo với mong muốn tìm cách giúp người chăn nuôi ra khỏi nguy cơ lỗ vốn và trắng tay ở thời điểm hiện tại. Vấn đề được quan tâm hiện nay là chúng ta đã nói nhiều đến nền kinh tế phát triển bền vững, bao gồm trong đó cả phát triển nông nghiệp bền vững nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra đối với sự tồn đọng lợn thịt ở con số quá lớn (trước đó là dưa hấu, hành, khoai tây… ở một số địa phương), có thể nhận ra sự phập phù trong sản xuất trên diện rộng.
Chăn nuôi lợn thịt còn thiếu quy hoạch. Chuỗi giá trị trong chăn nuôi chưa được xây dựng và có lẽ, chưa được người dân nhận thức một cách đầy đủ nên đa phần người dân mở rộng việc chăn nuôi một cách tự phát, phân tán và nhỏ lẻ nên phụ thuộc vào thương lái. Thương lái phụ thuộc vào thị trường và đây là một vòng luẩn quẩn đã tồn tại rất lâu. Việc tồn ứ đàn lợn thịt được xem là đỉnh điểm như bây giờ là hệ lụy của sự phát triển không có chiến lược, thiếu quy hoạch và thiếu sự đồng hành thật sự đối với người chăn nuôi, dù đã có không ít chính sách khuyến nông và sự hỗ trợ về kỹ thuật được xây dựng.
Đây mới là vấn đề mang tính bản chất của sự phát triển và cho phát triển cần được nhìn nhận, hoạch định lại sau những cuộc giải cứu.
Không quá nóng như ở Đồng Nai, Hưng Yên… nhưng người nuôi lợn ở Thừa Thiên Huế cũng gặp không ít khó khăn và đang chật vật với đầu ra. Chúng tôi cũng mong được nhìn, nghe và thấy những động thái mang tính giải cứu trước mắt ở các bếp ăn tập thể ở các nhà máy, khu công nghiệp và sự chia sẻ của người tiêu dùng trong bữa ăn hàng ngày. Tất nhiên sau đó, vẫn phải là những giải pháp cả về định tính lẫn định lượng. Quan trọng hơn là làm thế nào để người dân nhận hiểu rõ ràng hơn về quy luật cung cầu, cũng như sự cần thiết của chuỗi giá trị trong lĩnh vực này để hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xa dần tính tự phát, tính phập phù và manh mún…
Minh Hà