Đê bao ở thị trấn Sịa xây dựng bằng đất dễ vỡ trong mùa bão lũ
Ông Nguyễn Lành ở thị trấn Sịa chia sẻ: “Sinh sống ở vùng đầm phá, người dân chủ yếu dựa vào NTTS. Mấy năm gần đây, nuôi tôm liên tục thất bại khiến người dân lo lắng. Riêng năm 2016, nhiều hộ lỗ, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng”.
“Môi trường nguồn nước ngày càng ô nhiễm chính là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh thường xuyên. Nguồn nước ô nhiễm một phần do hệ thống đê bao không đảm bảo, người dân gặp khó khăn trong quá trình cấp, thoát nước. Các cống trên đê, kênh mương phủ lớp bèo tây dày đặc gây cản trở dòng chảy, nước tù đọng nên bị ô nhiễm...”, ông Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Sịa bày tỏ.
Ông Lê Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa khẳng định, thực trạng hệ thống đê bao trên địa bàn đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo cho NTTS. Hầu hết các công trình đê bao, kênh mương NTTS tại địa phương đều xây dựng từ năm 1993 đến nay đã hơn 20 năm, trong đó nhiều đê bao chủ yếu được đắp bằng đất, đá, hoặc xây bờ lô không đảm bảo kiên cố. Chỉ có hệ thống kênh mương Tây Hưng được xây mới cách đây hơn 5 năm đảm bảo cấp, thoát nước cho NTTS. Nhưng chỉ riêng công trình này thì chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Kênh mương ở Quảng Công cần được nâng cấp
Quảng Công là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào NTTS. Mấy vụ nuôi gần đây, tôm, cá chết hàng loạt, nhiều hộ lỗ nặng. Hộ ông Nguyễn Thanh Chương nuôi xen ghép tôm-cua-cá trên diện tích 5.000m2, thường xuyên bị lỗ. Ông Chương cho biết, kênh mương, đê bao không đảm bảo, gây trở ngại trong việc cấp, thoát nước khiến nguồn nước dễ bị ô nhiễm. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, thủy sản chết hàng loạt.
Tuyến kênh dài chừng 2km chạy dọc từ khu vực NTTS đến gần chân cầu Tam Giang, cấp, thoát nước cho hàng chục ha NTTS trên địa bàn xã Quảng Công được xây dựng bằng bờ lô cách đây hơn 10 năm. Từ khi tuyến kênh này bị xuống cấp, hư hỏng, người dân gặp khó khăn trong quá trình nuôi, nhiều hộ thua lỗ vì ô nhiêm môi trường, dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Công, ông Võ Đông Thi cho rằng, hệ thống đê bao, kênh mương không đảm bảo ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cấp, thoát nước cho NTTS. Ngoài các tuyến kênh mương bị xuống cấp, nhiều đê bao trên địa bàn bị hư hỏng do thiên tai, bão lũ và quá trình khai thác, sử dụng trong nhiều năm.
Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển NTTS, huyện Quảng Điền đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi NTTS trên địa bàn. Sau khi có kết quả, mức đầu tư, huyện trình tỉnh, Trung ương có chính sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng, nâng cấp các công trình nhằm đảm bảo cho NTTS trước yêu cầu mới. |
Các hộ NTTS và chính quyền địa phương tự bỏ kinh phí sửa chữa, gia cố nhưng chỉ tạm thời. Đê bao không đảm bảo chắc chắn, kiên cố gây thất thoát nguồn nước trong ao, hoặc nước ngoài phá, đồng ruộng rò rỉ vào các ao nuôi dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Quan điểm của ông Võ Đông Thi, không chỉ riêng xã Quảng Công mà hầu hết các địa phương muốn NTTS có hiệu quả, hạn chế tối đa dịch bệnh, thiệt hại cần phải đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi; tuy nhiên, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Riêng tại xã Quảng Công, ước kinh phí xây dựng, nâng cấp các công trình từ 10 tỷ đồng trở lên.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền- ông Hoàng Vọng thông tin, hầu hết hệ thống đê bao, kênh mương phục vụ NTTS từ năm 1990 về trước, chủ yếu xây dựng tự phát, thiếu khoa học, trải qua nhiều năm khai thác, sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Nhiều công trình chưa được kiên cố, xây bằng đất đá, bờ lô nên dễ bị hư hỏng vào mùa bão, lũ. Ngân sách tỉnh và huyện Quảng Điền cũng đã đầu tư sửa chữa, gia cố nhiều công trình nhưng chỉ mang tinh tạm thời, không bền vững.
Ông Vọng cho rằng, NTTS trên địa bàn huyện Quảng Điền trong mấy năm gần đây kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ triền miên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, hệ thống đê bao, thủy lợi không đảm bảo yêu cầu là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi tường, dịch bệnh. Thủy sản chết hàng loạt, nhiều hộ thua lỗ trong năm 2016, một phần do hệ thống cống rãnh bị tù đọng, ách tắc dòng chảy dẫn đến ô nhiễm môi trường vùng nuôi...
Để đảm bảo NTTS hiệu quả, tương xứng với tiềm năng của vùng đầm phá Tam Giang, huyện Quảng Điền cần “một cuộc cách mạng” trong việc đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi. Các địa phương và ban ngành tiến hành rà soát, đánh giá mức độ xuống cấp, hư hỏng của các công trình. Với những công trình xuống cấp, hư hỏng nhẹ chỉ cần sửa chữa, khắc phục; những công trình tạm bợ, xuống cấp trầm trọng phải đầu tư xây mới, nâng cấp, kiến cố hóa...
Bài, ảnh: Hoàng Triều