Trở thành tân sinh viên của trường đại học chính là ước mơ mà tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hướng tới. Nếu ở những năm học đầu tiên, nhiều sinh viên trong đó có tôi vẫn đang còn “ngủ quên trên chiến thắng” với niềm tự hào đỗ đại học thì vào năm học cuối, gánh nặng việc làm đã bắt đầu đè nặng trên vai khiến không ai không lo lắng. Những câu chuyện phiếm lúc giải lao đã thay bằng câu hỏi “sau này định làm việc gì?”; hay “đã sắp xếp trước được chỗ làm chưa?”; và đa số chỉ biết đáp lại bằng những cái lắc đầu lo âu hay tiếng thở dài...

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng tôi mà còn là của hầu hết “cử nhân tương lai” đang chuẩn bị bước vào đời. Khoảng 72.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp là thông tin mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố gần đây và trên thực tế, con số đó còn có thể lớn hơn rất nhiều. Câu chuyện sinh viên ra trường loay hoay tìm việc làm hay chấp nhận thất nghiệp đã trở nên quá quen thuộc.

Ban đầu tôi vẫn "mặc định" đổ lỗi do tình hình kinh tế gặp khó khăn, biến động làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động. Cùng với đó, nguồn nhân lực đào tạo bậc đại học có dấu hiệu dư thừa so với nhu cầu. Nhưng tôi dần nhận ra, đó chỉ là những ý kiến chủ quan để tự an ủi bản thân. Phải chăng câu chuyện “lạc lối” sau khi tốt nghiệp của sinh viên một phần lớn là do trình độ bản thân chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng?

Nhận thấy bản thân còn thiếu sót nhiều kỹ năng, tôi quyết định ghi danh vào lớp học nghiệp vụ báo chí. Đó cũng chính là cơ duyên đưa tôi đến với việc tập viết báo, ban đầu chỉ là những mẩu tin nhỏ, rồi dần là những bài viết lớn hơn. Nhiều người bạn của tôi cũng tích cực trong việc “sưu tầm chứng chỉ” để dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn. Mỗi người đều lựa chọn cho bản thân những kiến thức cần thiết, từ ngoại ngữ, tin học cho đến nghiệp vụ hành chính hay nghiệp vụ sư phạm… Cô bạn của tôi cho rằng, tương lai chưa biết ra sao nhưng trước mắt cứ học hết những gì có thể, như vậy lúc ra trường ít ra cũng tự tin hơn đôi chút.

Một số bạn sinh viên khác lại chọn một số công việc làm thêm liên quan đến ngành học để trau dồi kỹ năng. Bạn Như Quỳnh (sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế) chia sẻ: “Mình chọn công việc dạy kèm không chỉ vì để kiếm thêm thu nhập mà còn để học hỏi thêm kỹ năng sư phạm”. Tương tự, bạn Phước An (sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học) lại thử sức tại một công ty về kiến trúc để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức đã học.

Khi mà cuộc sống ngày càng phát triển, thị trường việc làm có sự cạnh tranh khốc liệt thì việc nhà tuyển dụng đòi hỏi bề dày kinh nghiệm là điều không thể tránh khỏi. Do đó, ngay từ khi còn học tập trên giảng đường, sinh viên chúng ta cần hiểu rõ tầm quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để có thể tự tin đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng, tránh tình trạng “lạc lối” sau khi tốt nghiệp.

Minh Nguyên