Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, qua kết quả công tác thanh tra năm 2012, Chánh Thanh tra tỉnh Trần Ngọc Cư cho biết, công tác quản lý Nhà nước và việc chấp hành chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế; nhất là quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cũng như quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai... Kết quả thanh tra góp phần chấn chỉnh những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng trên các lĩnh vực tài chính ngân sách, đất đai cũng như khắc phục những sai phạm về kinh tế, xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân và tập thể sai phạm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo các địa phương trong nhận thức, hành động đối với việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về giải pháp sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý, hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng và lãng phí... Song, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, kết luận và kiến nghị còn chung chung và chưa nêu rõ nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm cụ thể. Công tác kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của thanh tra các cấp còn hạn chế nên một số quyết định, kiến nghị xử lý và kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm chưa được chấp hành nghiêm túc; nhất là các quyết định thu hồi vi phạm về kinh tế.

Đánh giá hoạt động thanh tra năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những chuyển biến tích cực nhưng cũng nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được ngành thanh tra khắc phục trong công tác này. Đó là, một số cuộc thanh tra kết luận còn chậm, chưa thuyết phục, chưa đủ răn đe và còn dễ dãi. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn ít, chưa chủ động, quyết liệt... để ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, rất mong ngành thanh tra nói chung và Thanh tra tỉnh nói riêng đổi mới hoạt động đối với công tác thanh tra là phải có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng định hướng và thanh tra cả những nơi tiềm ẩn xảy ra sai phạm, nhất là với những lĩnh vực “nhạy cảm”, như: đất đai, đầu tư công, tài chính - ngân hàng, tài nguyên khoáng sản… Các kết luận thanh tra phải khách quan, chính xác, kịp thời và kiến nghị xử lý phải nghiêm minh, cụ thể.
Vĩnh Cự