Với những người có trách nhiệm cao, tầm nhìn bao quát và hiểu biết rộng, những nhận xét như vừa nêu chắc hẳn là có cơ sở. Vấn đề là vì sao có tình trạng này? Đòi hỏi nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ nói riêng không phải đến bây giờ mới đặt ra, vì phát triển và hội nhập kinh tế đã diễn ra từ hàng chục năm trước. Nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta có thật sự thiếu hay do chưa sử dụng tốt nguồn nhân lực?

Nếu bảo rằng chúng ta thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao e rằng chưa thỏa đáng. Huế là nơi có nhiều trung tâm của miền Trung và cả nước và chúng ta luôn luôn khẳng định, tự hào về điều đó. Riêng ở lĩnh vực giáo dục tập hợp cả chục trường đại học ở nhiều lĩnh vực, hàng năm đào tạo ra một nguồn nhân lực rất lớn. Thường đã là trung tâm thì đồng thời cũng là một nơi vừa cung cấp, vừa thu hút nguồn nhân lực. Người Huế và nguồn nhân lực được đào tạo từ Huế tỏa đi khắp nơi trong cả nước và không ít trong số đó khẳng định được năng lực vượt trội ở nhiều lĩnh vực là một thực tế. Ở TP. Hồ Chí Minh, một số tập đoàn và thương hiệu hiện do những người Huế giữ vài trò Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp… Những người đứng đầu các tập đoàn lớn chắc hẳn phải có năng lực quản lý giỏi, có khả năng hoạch định đường hướng phát triển và tổ chức các giải pháp thực hiện.

Thực hiện công tác cán bộ là một quy trình khoa học. Nó phải qua các bước: phát hiện - quy hoạch, bồi dưỡng - đề bạt sử dụng. Quá trình này đã có những quy định hết sức chặt chẽ. Quy trình tuyển dụng ra sao, quy trình bồi dưỡng, đề bạt như thế nào. Quy định có cả nhưng cán bộ vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Phải chăng chúng ta đang còn những hạn chế trong quá trình thực hiện.

Có thể nó nằm ở những hạn chế sau:

Thường một cán bộ được cử giữ một chức vụ cao phải đủ mọi tiêu chuẩn về bằng cấp theo quy định, có đủ đức độ, đã trải qua một quá trình công tác nào đó. Nếu quy trình đầy đủ thì việc cán bộ không đáp ứng được nhu cầu phát triển là vấn đề phát sinh sau “đề bạt”. Mỗi vị trí công việc hoàn toàn không giống nhau, có những đòi hỏi khác nhau. Ở vị trí này thì thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng ở vị trí khác thì thực hiện không tốt. Đó cũng là chuyện thường tình. Vấn đề là khi tổ chức phát hiện ra tình trạng này không mạnh dạn thay đổi, thuyên chuyển, để tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Có thể đây là một nguyên nhân làm cho “đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Có một nguyên nhân khác là động cơ phấn đấu và trách nhiệm công việc. Khi đang ở vị trí thấp thì có động cơ phấn đấu rất tốt nhưng khi đạt được một vị trí nào đó thì động cơ phấn đấu lại giảm dần. Thiếu hẳn việc học tập, trau dồi, rèn luyện. Ai cũng biết, mỗi nấc thang của sự phát triển là luôn thay đổi, đòi hỏi cao hơn. Vô hình chung, người đứng yên chính là người đi thụt lùi so với yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi phát triển.

Công tác cán bộ bao giờ cũng là một công việc phức tạp và “tế nhị”. Phàm đã liên quan đến con người là vậy, bởi nó là “tổng hòa các mối liên hệ”. Chính vì vậy, cán bộ không đáp ứng được yêu cầu cũng không loại trừ một nguyên nhân là chúng ta đã thiếu khách quan trong công tác cán bộ nên tạo điều kiện cho những người không đủ năng lực nằm trong bộ máy lãnh đạo. Người giỏi lại thiếu cơ hội nên đang “lẩn khuất”ở đâu đó.

Cách đây mấy năm tôi có dịp gặp bác sĩ Nam, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh). Ông từng học trường Hàm Nghi ở Huế. Thời điểm tôi gặp ông đã nghỉ hưu và đang làm thuê với tư cách là quản lý cho một dự án bất động sản lớn. Ông kể khi được mời làm công việc này ông đã từ chối vì lý do không hiểu gì về bất động sản. Người mời ông nói rằng ông đã quản lý cả hàng trăm con người ở bệnh viện, làm cho nó trở nên có tiếng thì có thể quản lý dự án bất động sản được. Người ta tin ông là tin ở năng lực quản lý con người để vận hành bộ máy hiệu quả.

Người quản lý không bao giờ và không phải là người “ba đầu sáu tay”. Một cán bộ giỏi là một người biết tập hợp và phát huy sức mạnh của tập thể. Câu chuyện của ông Nam đã cho tôi có một góc nhìn khác về cán bộ quản lý, là nhìn xem những người dưới ông có giỏi không và hiệu quả công việc họ làm thế nào.

Lê Phương