Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh​

Ông đánh giá như thế nào về tình hình chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh?

Tình hình chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo ở Huế không quá “nóng” như một số địa phương ở phía nam và phía bắc. Bởi theo số liệu chúng tôi có được, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhập từ các tỉnh khác chỉ khoảng 20-30% sản lượng thịt nên cơ bản ít chịu áp lực về chăn nuôi thừa. Tuy nhiên, giá thịt heo hơi thời gian gần đây xuống thấp, chịu ảnh hưởng chung của thị trường cả nước, người chăn nuôi khó khăn tái đàn nên tổng đàn heo trên địa bàn giảm 3,5% (còn hơn 200.000 con).

Hiện nay, người nuôi từ nông hộ đến các trang trại cá nhân và doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn do giá cả thị trường xuống thấp. Mặc dù giá giống có giảm khoảng 30%, thức ăn giảm từ 5-7%, nhưng khi heo xuất chuồng bán người nuôi vẫn thua thiệt bởi giá heo hơi từ 36 nghìn đồng/kg (thời điểm cuối 2016 đến đầu năm 2017), hiện nay giảm chỉ còn 22-23 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, bình quân một con heo (trọng lượng 100kg) bán ra, người nuôi lỗ từ 3-3,5 triệu đồng.

Sức mua của người tiêu dùng góp phần “giải cứu” người chăn nuôi. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Có một nghịch lý, giá heo hơi chỉ 22 - 23 nghìn đồng/kg như hiện nay, nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá thịt vẫn khá cao, từ 70 - 90 nghìn đồng/kg (tùy loại). Nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này, thưa ông?

Thịt heo từ người nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua 3 khâu: Từ các đơn vị giết mổ đến thương lái và các nhóm bán lẻ bên ngoài. Vấn đề này phụ thuộc vào tư thương, tư thương có vai trò quan trọng và trong giai đoạn hiện nay, tư thương đang lãi nhiều, mặc dù người chăn nuôi đang gặp khó. Tư thương bỏ vốn ra, chi phí đi lại, vận chuyển; đầu ra thì họ mua cầm chừng, mổ bán vừa sức tiêu thụ.

Mỗi cân thịt đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian như vậy, cộng thêm các chi phí nữa nên cao là điều dễ hiểu. Mặt khác, khi lấy thịt tại các lò mổ, giá thịt lại giảm không nhiều nên tư thương bán ra khó mà giảm giá xuống. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, thịt heo cung không vượt cầu nhiều nhưng do heo được thương lái các tỉnh đưa về có giá rẻ hơn nên cũng chịu ảnh hưởng chung thực trạng của cả nước, làm cho thịt heo “ứ” trong dân. Nhiều nơi nông dân cũng “cứu mình” bằng cách mổ heo rồi cùng với HTX bán cho các hộ dân trong khu dân cư, làng xã chia nhau tiêu thụ.

Hiện nay, các lò mổ đã tăng công suất lên 15% (khoảng 2.000 con/ngày). Theo khảo sát giá heo thịt ra thị trường cũng có giảm do các tư thương có điều chỉnh vì mua heo từ các hộ chăn nuôi giá thấp. Để giải quyết tình trạng này cần tăng cường khâu kiểm soát của Nhà nước và quy hoạch, điều chỉnh lại chăn nuôi heo trong dân; tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm; chú trọng liên kết DN và hỗ trợ người dân khoanh nợ, giãn nợ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Để hỗ trợ hiệu quả cho người chăn nuôi, vai trò của các DN như thế nào, thưa ông? 

Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo kịp thời, sáng suốt. Như chúng ta thấy, không riêng gì Huế,  chăn nuôi heo gặp khó khăn là do giá thức ăn cùng các chi phí đầu vào khác tăng cao. Từ khi Bộ NN&PTNT can thiệp, giá thức ăn có giảm, từ 5-7%.

Vừa qua, Chi cục CN&TY tỉnh cùng ngành nông nghiệp ở địa phương đã có cuộc khảo sát và làm việc tại các công ty chăn nuôi, cung ứng thức ăn, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo. Tìm hiểu cho thấy, trong chi phí đầu vào đối với nuôi heo, thức ăn là quan trọng nhất, chiếm 70% chi phí. Trong điều kiện giá heo ít biến động, các đơn vị bán thức ăn đã có lãi rồi thì thời điểm khó khăn, DN phải cùng chia sẻ, cáng đáng với người nông dân. Ví dụ, trong một năm 12 tháng, 8 tháng DN bán thức ăn cùng các chi phí đầu vào khác có lãi thì những tháng còn lại phải sẻ chia khó khăn với người chăn nuôi. Giải quyết được vấn đề giá cả thức ăn trong chăn nuôi thì sẽ giải quyết căn cơ những vướng mắc hiện nay.

Khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng cho thấy, thịt heo "cỏ”, heo nạc luôn được ưa chuộng và có giá thành cao. Vậy theo ông, đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cơ cấu con giống cần thay đổi như thế nào?

Trong giai đoạn hiện nay người nuôi cần phải giảm quy mô đàn, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp mà cần tăng cường chăn nuôi theo dạng bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ. Thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ truyền thống là tận dụng thức ăn sẵn có để giảm chi phí đầu vào. Cần tăng cường sản xuất giống tại chỗ. Người chăn nuôi có thể nuôi heo giống, sản xuất heo con và “tái nuôi” ngay tại chuồng trại sẽ giảm chi phí thay vì phải mua giống bên ngoài. Trong đó, chú trọng giống heo truyền thống. Giống heo "cỏ” (kích thước nhỏ, màu đen) tuy đến nay gần như không còn từ khi chúng ta có đề án nạc hóa đàn heo, nhưng người nuôi có thể chọn giống lai F1, giống ngoại thuần để giảm mỡ trong lượng thịt sẽ dễ tiêu thụ, giá cao hơn.

Với vai trò của ngành, các ông có giải pháp và đề xuất nào để giúp người chăn nuôi thoát được tình trạng khó khăn như hiện nay và về lâu dài phát triển chăn nuôi heo bền vững?

Giải pháp hiện nay là các hộ chăn nuôi cần tăng cường liên kết với các DN, lãi suất tuy thấp hơn nhưng “an toàn” hơn, chính quyền địa phương, ban ngành sẽ là “cầu nối”. Hiện nay, khá nhiều trang trại của các hộ cá nhân ở Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà liên doanh với Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Thái Việt. Người nuôi vừa được các DN chia sẻ giá cả thức ăn, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù quy mô của những trang trại này lên đến 2-3 nghìn con heo thịt nhưng có các hợp đồng liên kết nên DN đảm bảo đầu ra ổn định, người nuôi rất yên tâm. Cần khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường, của các DN và tổ chức liên kết trong sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết thịt heo khá hiệu quả như mô hình chăn nuôi heo hữu cơ của Tổ chức Nhịp cầu châu Á, lò mổ ở Thủy Biều, liên kết với các hộ dân phường Thủy Xuân và đưa về tiệm bán lẻ ở quầy trên đường Hai Bà Trưng. Thịt heo được chứng nhận của các cơ quan chức năng, nuôi theo hướng dẫn của tổ chức này với quy trình nghiêm ngặt, nên người tiêu dùng rất yên tâm.

Sở NN&PTNT cũng có văn bản gửi các địa phương về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi heo; giảm thiểu áp lực khó khăn cho người chăn nuôi. Chỉ đạo phát triển chăn nuôi gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Việc mở rộng quy mô trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn heo nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống nạc, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro. Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các DN tiềm năng trong ngành tăng cường thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ thịt heo. Do vậy, ngay từ đầu, ngành đã định hướng cụ thể với các địa phương chăn nuôi heo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay tuyệt đối không tăng quy mô đàn heo mà cần thay đổi cơ cấu giống, không phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi heo; thay đổi phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt heo.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Hà Nguyên (thực hiện)