Với nhiều người, cá trích nướng được xem như đặc sản

Cá trích rẻ tiền, đầu mùa cao lắm cân vài chục ngàn, đỉnh mùa đôi khi một cân vài ngàn bạc không ai mua. Nhưng con cá dân dã đó gắn chặt với đời người bên chân sóng. Lưới đánh cá đơn giản, song bủa được cá trích là cả một nghệ thuật. Mùa cá trích, dân làng tôi thường bủa lưới đăng (5h chiều đến 8-9 tối).“Nghệ thuật” đánh cá nằm ở hai cách: “bủa đàn” và “bủa nổi”. “Bủa nổi” phải cột phao vào lườn lưới để kéo lưới nổi trên mặt nước; “bủa đàn” tháo phao thả lưới chìm xuống mặt đất. Bủa cá trích, dân biển thường nằm lòng câu “ngày bủa đàn, quáng rợng bủa nổi”,“cá ăn đêm nổi trên mặt nước”. Nhưng, bủa được cá cần có con mắt nghề, biết chọn thời điểm ra khơi, vào lộng.

Hồi trước, thu hoạch cá trích ngư dân quê tôi không dùng cân để tính mà đếm từng con. Đêm nào biển dày ánh đèn pin chắc rằng có người chỉ trỏ: “Ghe ông nớ muôn con, ghê hí!”. Có lần gỡ cá trích cùng cùng ba, mình thắc mắc: “Muôn con là mấy con hở ba?”. Ba nói: “Ghe ai cá hung, không đếm nổi mới gọi muôn con”.

Đến mùa cá, phụ nữ làng biển đợi ghe trên bờ, lót đòn triêng ngồi, gióng hai đầu và “trạo” miệng. Phía xa, đèn ghe chấp chới tấp sát bờ, họ hò nhau chạy lại. Nhìn ghe mình xong quay lại ngó sang ghe bạn "tham khảo" để có cái mà so. Xong việc, lại tụm năm tụm bảy ngồi “trạo” tiếp, đại khái bàn ghe ai nhất ai nhì, ghe ai được muôn con, ghe ai không đấu con mô. Rồi đâu đó có tiếng hờn dỗi: “Hôm ni ba mi bủa lộng răng thua ghe ông A., bủa mà ngơ!”, nghe thế, đàn ông lúc ngủ chỉ có nước... vắt tay lên trán.

Gỡ cá trích cũng có chuyện để nói. Cá dễ gỡ, thậm chí chỉ cần giăng lưới thật căng mà rảy. Rảy lúc nào cá trắng mặt đất là dừng để lượm. Ai không đi biển, đến mùa chạy xuống rảy giúp bạn để ăn cá…miễn phí. Có người tham, lúc gỡ, bẻ đầu từng con cá cho nhanh xong xách cá lên nhà, vợ hỏi móc: "Hôm ni cá… bị thương à?". Lúc đó chỉ biết cười trừ.

Cá trích đầu mùa đúng là đặc sản. Trong một chương trình nào đó của kênh Discovery, họ bảo, cá trích ngon nhất là trứng. Trứng sấy khô hình như xuất khẩu với giá khá đắt. Đúng là trứng, ruột rất ngon nhưng lúc cá mang cả bụng trứng thì thịt lại dở. Mà nếu cá có trứng sẽ không ai thèm nữa tại lúc đó đã ngán cá trích đến tận cổ.

Món ngon từ cá trích khá nhiều như, nướng, gỏi, phơi khô, hấp... nhưng tôi lại thích cá trích nướng lột vỏ kho mặn với ném. Nhắc món này lại nhớ nội! Lúc còn sống, nội dạy cách kho thế này: "Cá trích nướng không để cháy đuôi, vảy nhưng đủ chín. Ngắt đuôi, bẻ đầu xong đặt ngang con cá trên tay sao cho bụng vuông góc mặt đất, đặt ngón tay cái trên lưng cá, ngón trỏ dưới bụng cá, bóp nhẹ vảy sẽ tự động bung ra, rồi mang cá phơi nắng đủ héo. Lúc kho, ngoài ném hột và các gia vị khác, muối phải dùng tay bốc, ớt trái bẻ bằng tay chứ không dùng kéo cắt, để lửa nhỏ chừng 10-15 phút là xong". Dù thuộc nằm lòng nhưng chưa bao giờ tôi kho được một nồi cá có vị như nội từng kho.

Những ai tuổi thơ bên chân sóng như tôi, chắc rằng đều biết vị cá trích, và dù chế biến món gì chăng nữa đều có lẫn mùi mồ hôi của phận ngư dân, vị mằn mặn của biển lẫn mùi mồ hôi của người ngư dân...

Lê Thọ