Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và ban chủ nhiệm htxnn Lạc Trung về công tác quy hoạch ruộng đất (Ảnh Internet)

Đồng hành với nhiệm vụ quan trọng đó, trong suốt cuộc đời của mình, Bác là người luôn thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào. Tôi thật sự tâm đắc với lời của cố Giáo sư Trần Văn Giàu khi ông cho rằng: Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn. Phong cách, tinh thần thượng tôn pháp luật của Người là một trong những giá trị cao quý ấy.

Tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác được thể hiện một cách toàn diện ở hai khía cạnh, một là Người đã chú trọng xây dựng nền pháp chế của nước nhà; hai là Người đã thực thi nghiêm chỉnh pháp luật trong hành động và cư xử của mình. Với Người, dù là một Chủ tịch nước hay một công dân, pháp luật luôn luôn phải được thượng tôn. Chính vì thế, Người không đặt ra những biệt lệ cho cá nhân mình. Hẳn chúng ta còn nhớ, năm 1946, nước ta chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Cũng giống như các ứng cử viên khác, Bác cũng được giới thiệu ra ứng cử tại Hà Nội. Thế nhưng, gần đến ngày bầu cử, cán bộ và quần chúng nhân dân nơi Bác ra ứng cử đã gửi một bản đề nghị “yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Đồng bào ta ở nhiều nơi cũng viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, Nhân dân cả nước nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm đó, Bác đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và nêu rõ: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

Cũng năm 1946, khi Bộ trưởng Bộ kinh tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến vi phạm pháp luật, Người đã thẳng thắn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội rằng: Trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban đều phải hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết. Hay vụ Người bác đơn xin ân xá của Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng, trụy lạc v.v…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta học được nhiều điều và trong một xã hội pháp quyền, điều cần thiết là phải học tinh thần, phong cách thượng tôn pháp luật của Bác. Ai cũng thượng tôn pháp luật thì trật tự xã hội sẽ đảm bảo, cuộc sống sẽ tươi đẹp và điều đó cũng sẽ góp phần tạo nên diện mạo của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 26/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đã dẫn lời vua Lê Thánh Tông, người đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm, rằng: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Thủ tướng khẳng định: “Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương;… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.

Nguyễn Thành Vinh