Giao thông đường bộ tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: WB

Tốc độ - Trọng tâm của vấn đề

Theo WHO, thế giới có 1,25 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, gần 1/2 số vụ tai nạn là do người tham gia giao thông chạy nhanh hơn giới hạn tốc độ.

Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Tốc độ là trọng tâm của vấn đề chấn thương giao thông đường bộ trên toàn cầu. Thậm chí khi các quốc gia chỉ quan tâm đến nguy cơ chính này, họ vẫn sẽ sớm có những con đường an toàn hơn, có tác động sâu sắc và lâu dài đối với sức khoẻ".

Nhằm nâng cao nhận thức và tránh những bi kịch, hàng trăm sự kiện dự kiến được tổ chức trong Tuần lễ An toàn Đường bộ Toàn cầu. WHO cho rằng, những sự kiện này sẽ góp phần vào việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) về an toàn đường bộ.

Bên cạnh đó, cơ quan y tế của Liên Hiệp quốc (LHQ) cũng chỉ ra nghiên cứu cho thấy, giảm 5% tốc độ trung bình có thể làm giảm đến 30% số vụ tai nạn giao thông gây tử vong.

"Giảm tốc độ là một đóng góp quan trọng cho SDGs”, ông Etienne Krug, Giám đốc Ban Phòng chống Thương tích, Bạo lực và Thương tật của WHO nhận định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin UN News.

Ông Krug tiếp tục cho hay, giao thông công cộng vẫn còn kém phát triển và "chúng ta sẽ đi thẳng đến thất bại nếu chúng ta phát triển những thành phố chỉ dành cho xe ô tô".

Những yếu tố khác

Ngoài việc quản lý tốc độ, WHO cũng kêu gọi các kế hoạch tập trung vào việc lãnh đạo, thiết kế và cải tiến cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn xe và thực thi luật giao thông.

"Tốc độ không phải là yếu tố duy nhất. Lái xe khi say rượu và lái xe mất tập trung như nhắn tin hay gọi điện thoại cũng là yếu tố quan trọng", Giám đốc Krug nhấn mạnh.

Ông Krug chỉ rõ nhu cầu thực hiện chiến dịch nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và phương thức vận tải. "Chúng ta cần làm cho việc đi xe đạp, đi bộ và sử dụng giao thông công cộng an toàn và dễ tiếp cận hơn, vì đó là tương lai và hình thức giao thông này cũng khỏe mạnh hơn nhiều. Con người sẽ ít mắc phải những căn bệnh không truyền nhiễm (NCD), nếu họ đi bộ và đạp xe nhiều hơn. Tôi đang nói đến bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường".

"Chúng ta đang chứng kiến những tiến bộ ở nhiều thành phố, nổi bật trong số đó là thành phố Freiburg (Đức), thành phố Sao Paolo  (Brazil) và thành phố New York (Mỹ)", ông Krug nhận định.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News, Trendzhub & Mandurahmail)