Chân dung cụ Phước Trang - Trần Đình Bá

Chúng tôi bước đầu tìm hiểu về hành trạng cụ Phước Trang - Trần Đình Bá qua thư tịch của các thời kỳ, ở các miền đất nước từ nhiều tác giả có góc nhìn khác nhau để ngõ hầu mong tìm được nét chung nhất về cụ. 

Quyển Việt Nam danh nhân từ điển, tác giả Nguyễn Huyền Anh – Nhà sách Khai Trí – Sài Gòn 1972, trang 546 ghi: “Trần Đình Bá lương thần triều Nguyễn. Người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (Trung phần). Đỗ phó bảng làm quan đến Hình bộ Thượng thư. Năm 1925, ông đã cương quyết phản đối Điều ước 25/11/1925 do Pháp dùng uy lực đưa ra, buộc phải ký nhường cho họ nắm giữ mọi quyền nội trị và chỉ dành riêng cho triều đình Huế phần trông coi việc tế lễ mà thôi”.

Quyển Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919), Ngô Đức Thọ chủ biên – Nhà xuất bản Văn học – Hà Nội 1993, trang 916 viết: “Trần Đình Bá (tức Bách)... Sinh năm Đinh Mão (1867), đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1897). 32 tuổi đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898)”.

Sách Hồi ký Đặng Thai Mai – Nhà xuất bản Tác phẩm mới - Năm 1985 – Trang 263 cho biết: “Trong lúc làm Tổng đốc An – Tĩnh, Cụ Trần Đình Bá đã bí mật ám trợ cho người hoạt động yêu nước. Ngay khi biết được tin bọn mật thám Pháp đang theo dõi bủa lưới bắt nhóm thanh niên yêu nước tại trường Quốc Học Vinh, cụ Trần Đình Bá đã nhắn người thân tín báo ngay cho họ biết: “Tôi biết rằng có mấy cậu học sinh trường Quốc học, tối thứ 7, Chủ nhật vẫn thường tụ tập với nhau nói chuyện chính trị. Họ là những học sinh ưu tú trong trường. Nên cẩn thận đấy, sở mật thám (Pháp) đã bắt đầu để ý theo dõi’ “. Nhờ biết tin này, các thanh niên học sinh yêu nước kịp thời thoát khỏi cảnh bắt bớ của mật thám và sau này trở thành các trí thức cách mạng: Đặng Thai Mai, Hà Huy Giáp, Tạ Quang Bửu…

Tạp chí Nguồn sáng số 1: Hiền Lương sức sống truyền đời. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam – 1994, trang 49 – 52, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Trần Đình Bá đậu phó bảng thời Thành Thái, Hiệp tá đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần. Năm 1925, nhân lúc Khải Định chết, người Pháp bắt triều đình Huế ký một hiệp ước mới tước đoạt hết quyền Vua, ông (Trần Đình Bá) từ khước không chịu ký tên, sau đó bỏ quan về làng. Thời ông làm Án sát tỉnh Thanh Hóa, nhân phong trào Cần Vương, bọn tiểu nhân tìm cách vu oan người khác để tâng công với Pháp. Ông đã minh xét hồ sơ do tòa sứ (Pháp) gởi qua với danh sách trên 100 thân hào nhân sĩ, ông đã bác bỏ lời vu cáo và miễn nghị tất cả. Thấy được uy tín rộng lớn của ông, sau khi đàn áp phong trào Xô – Viết Nghệ Tĩnh, viên khâm sứ Pháp đến tận nhà năn nỉ mời ông ra làm Tiết chế Nghệ Tĩnh để trấn an Nhân dân, nhưng ông cương quyết từ khước, không để Pháp lợi dụng”.

Sách Thành Thái – người điên đầu thế kỷ XX – Nhà xuất bản Văn học 1966 – Trang 299 – 302, viết:

“… Lời phát biểu có ý quyết định số phận vua Thành Thái của viên khâm sứ gây phản ứng ngay lập tức. Một tiếng nói dõng dạc vang lên:

- Không được! Đó chỉ là giam lỏng… một điều vô đạo lý.

- Mọi người giật mình quay về phía người nói. Cả Khâm sứ Lê – vếch lẫn Khâm sứ Ma – hê không giấu nổi vẻ kinh ngạc nhìn thẳng vào người đó. Chính là phó bảng Trần Đình Bá, nguyên Tuần vũ Quảng – Ngãi, vừa được bổ nhiệm về viện Đô  sát, có chân trong Hội đồng Cơ mật…

Trần Đình Bá không là người núi Thú Dương theo kiểu Bá – Di, Thúc – Tề để không ăn thóc nhà Chu, nhưng theo đường khoa hoạn với chí hướng vì dân, vì nước theo kiểu của ông… Không để kẻ kia nắm quyền bảo hộ áp đặt công việc nội triều theo ý đồ mưu toan của chúng, nên Trần Đình Bá sang sảng nói tiếp:

- Tôi không hiểu chính quyền bảo hộ tôn trọng thế nào về hòa ước Giáp Thân 1884 mà bên các ngài gọi là Patenotre. Thực quyền hiện nay ở phần đất còn lại của Nam triều, chính phủ bảo hộ nắm hết cả. Hòa ước đó do chính các ngài đã làm cho nó trở thành vô nghĩa. Trong quan hệ giữa con người với con người chữ TÍN thường được tôn trọng, chỉ có những kẻ vô liêm sỉ mới không coi trọng chữ TÍN… Nay các ông là nước lớn tự cho mình là văn minh, đi xâm chiếm nước người, bảo hộ đất nước chúng tôi và với quyền bảo hộ đó các ông đã tự xóa bỏ các hòa ước đã ký kết. Nay các ông lại lấy quyền đó truất vị đức Kim thượng chúng tôi, bảo Ngài là… điên, đáng lý ra mọi việc bên Nam triều chúng tôi phải chính triều đình chúng tôi bàn nghị. Các ngài nên, vâng, nên tôn trọng hòa ước 1884 đã ký!

Cả phòng họp Nội các không một tiếng động. Người ta lo cho tính mạng phó bảng Trần Đình Bá… Một số quan trong Nội các và hội đồng cơ mật cùng Trần Đình Bá đứng dậy ra về tỏ thái độ phản đối…”.

Sách Chuyện ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân. Tác giả Nguyễn Đắc Xuân biên soạn và sưu tập. Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế 1995. Trang 102 -103 viết:

“… Khi được giao viết bản án ông (Hồ Đắc Trung) đã tìm mọi cách cứu vua Duy Tân ra khỏi tội tử hình. Ông Trung bàn với các quan đại thần không nên kết tội vua vì hai lẽ rất chính đáng...

Các cụ đại thần như Tôn Thất Hân, Trần Đình Bá, Trần Đình Phát đều tán thành ý kiến của cụ Hồ Đắc Trung. Họ ủy thác cụ Trung làm án cứu vua”.

Tư liệu của ông Đỗ Bằng Đoàn lục tại Nội các và bản sao của Cơ mật viện ngày 2 – 3 – 1923) cho biết: “Năm 1915, triều đình cử cụ Trần Đình Bá đại diện Nam triều hội đồng cùng Bác vật quán để xem xét việc làm đường hỏa xa. Cụ đã hết lòng bảo vệ, bênh vực quyền lợi của nhân dân Trung kỳ khi ruộng đất bị xâm phạm. Tháng 5/1915, triều đình cử cụ vào tỉnh Quảng Nam thanh tra lại tất cả bản án kêu oan. Nhận thấy cụ Trần Đình Bá rất được nhân dân Trung Kỳ mến phục nên khi đang giữ chức Tổng đốc An Tĩnh, Cụ nộp đơn xin từ chức về hưu trí; triều đình vẫn cố giữ lại và mời vào kinh đô Huế với lý do: “Trần Đình Bá, Hiệp tá đại học sĩ, lĩnh An – Tĩnh Tổng đốc, là người giữ được phong độ khí tiết nhà Nho, có đức độ lớn, tính rất cẩn trọng. Tuy đến hạn xin về hưu nhưng dùng đức phải cần người có tuổi. Huống chi việc hình phạt cần thận trọng. Nay chuẩn thực thụ Hiệp tá đại học sĩ, đổi về Kinh giữ chức Hình bộ Thượng thơ sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản viện Đô Sát”.

Ngoài nguồn thư tịch trích dẫn trên, hiện nay trong gia đình con cháu cụ còn lưu giữ những văn bằng, giấy tờ cho biết về hành trạng của cụ phó bảng Trần Đình Bá và mối giao tình của cụ với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thời kỳ cụ Trần Đình Bá làm Tổng đốc An – Tĩnh, mật thám Pháp đánh điện yêu cầu cụ báo cáo về lý lịch người thanh niên xứ Nghệ mang tên Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Pháp, cụ đã trả lời: “Không ai là người Việt Nam tên Nguyễn Ái Quốc ở Nghệ An. Cụ đã bí mật giúp đỡ cho ông Nguyễn Sinh Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh (tức bà Bạch Liên) suốt thời kỳ ở Nghệ đến sau khi vào kinh đô Huế. Mãi đến sau năm 1934, cụ Trần Đình Bá đã mất mà mỗi lần kỵ giỗ cụ, ông Thầy Nghệ (ông Cả Khiêm) vẫn mang một bầu rượu trắng cúng tại nhà thờ cụ.

Khi cụ Trần Đình Bá quy tiên, có nhiều đồng liêu – đồng hương kính điếu nhiều đối liễn, trong đó có câu đối của cụ Phước Môn như sau:

Thiết khoán minh tồn, tái thế ưng tư hồi cố quốc

Ngọc lâu phú tựu, cựu thần ủy đắc kiến tiên vương

Nghĩa:

Thề cứu nước, đời sau nguyện trở về nước cũ

Phú phò vua, lão quan mừng được gặp vua xưa

Trên đôi trụ biểu vào mộ phần của cụ có đắp đôi câu đối:

Văn bút trình tường, nghiễn trì hiến thụy, phước nhân phước địa, giai thành nguyệt lãng thiên thu

Hoa sơn dục tú, Bồ thủy chung linh, mậu đức mậu công, hoàng các phong thanh vạn cổ.

Nghĩa:

Văn bút ao nghiên trình bày điềm lành, người có phước được ở nơi đất quý, trăng sáng soi trên phần mộ ngàn thu.

Núi Hoa sông Bồ chung đúc linh khí, bậc có công lớn đức dày, tiếng thơm nơi sử sách lưu lại muôn thuở

Tuy không chính thức cương quyết chống đối hẳn thực dân Pháp như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy… nhưng cụ Trần Đình Bá vẫn giữ được tư cách tốt đẹp trong suốt cuộc đời làm quan của mình và vẫn luôn luôn tìm cơ hội, khi công khai, lúc bí mật giúp đỡ, bảo vệ cho những người hoạt động yêu nước trong thời thế vô cùng khó khăn và phức tạp thậm chí là nguy hiểm cho bản thân và gia đình trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Những hành động đó diễn ra một cách tự nguyện, xuyên suốt và nhất quán trong suốt cuộc đời cụ.

NHẬT CAO