Chống trả kiểm lâm để tẩu tán gỗ

Khoảng 15 ngày trong tháng 8/2012, Hà Văn Hải, Hà Văn Bích, Võ Văn May, Hồ Văn Việt và Hồ Văn Kiếm (đều trú tại xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) đến tại khu vực đồi khe Tranh (thượng nguồn sông Hữu Trạch) khai thác trái phép 12 hộp (phách) gỗ kiền. Ngày 18/8, các đối tượng trên rủ thêm Trần Văn Lâm, Hồ Văn Thoại (đều trú tại Bình Thành) đến khu vực này để vận chuyển số gỗ trên về tiêu thụ. Khoảng 5 giờ hôm sau, các đối tượng vận chuyển gỗ về khu vực khe Tà Viên (thượng nguồn sông Hữu Trạch) gặp Tổ tuần tra kiểm soát của Đội Kiểm lâm (KL) cơ động PCCC rừng số 1 (Chi cục KL tỉnh), gồm các ông: Lê Văn Thiện (tổ trưởng) và Nguyễn Thảo, Đặng Đình Vinh (tổ viên). Tổ công tác yêu cầu các đối tượng vận chuyển gỗ về Trạm KL lòng hồ thuỷ điện Bình Điền để xử lý. Khi đến khu vực nước sâu, cách vị trí kiểm tra khoảng 500m, Trần Văn Lâm dùng tuốc-nơ-vít đâm thủng sáu xăm ô tô dùng để vận chuyển khiến gỗ chìm xuống sông.
 

Lực lượng KL Hương Trà đang xác minh vụ cháy rừng ở Hương An (Ảnh: TL)

 
Sau đó, các ông Lê Văn Thiện, Đặng Đình Vinh về đập thủy điện Bình Điền để liên lạc và báo cáo đội xin lực lượng hỗ trợ đưa gỗ về, còn ông Nguyễn Thảo ở lại bảo vệ gỗ, nhưng bỏ lên bìa rừng cách đó 500m để tránh nắng (!?). Phát hiện thuyền của cán bộ KL chạy về phía hạ lưu, Trần Văn Lâm và đồng bọn rủ nhau lên vị trí gỗ chìm để tẩu tán. Đến nơi, các đối tượng dùng thuyền máy kéo gỗ về phía hạ lưu khoảng 200m rồi thả chìm xuống sông để khi có điều kiện sẽ lên vớt gỗ vận chuyển về tiêu thụ.
 
“Hai ngày sau, Công an (CA) thị xã trục vớt gỗ đưa về tạm giữ tại đơn vị và trưng cầu Hội đồng định giá tài sản thị xã, nhưng do số gỗ này có khối lượng 2,229m3 (quy ra gỗ tròn là 3,5664m3) với giá trị gần 47 triệu đồng nên chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng hành vi của Trần Văn Lâm có dấu hiệu cản trở người thi hành công vụ, Cơ quan CSĐT CA thị xã Hương Trà xử phạt đối tượng này 1,5 triệu đồng” - Thượng tá Hoàng Ngọc Thạch, Phó Trưởng CA thị xã, cho biết. Đối với hành vi phạm của Hồ Văn Hải và đồng bọn, Chi cục KL tỉnh xử phạt 75 triệu đồng (15 triệu đồng/người) cũng như tịch thu số lâm sản nhập kho Nhà nước, nhưng đến nay, các đối tượng vẫn chưa nộp số tiền này.
 
Cướp thuyền máy tại trạm KL
 
Khoảng 13 giờ 30 ngày 13/9/2012, Lê Văn Mong (trú Bình Thành, Hương Trà) nhận được tin ghe (thuyền máy) của bản thân bị cán bộ KL tại lòng hồ thủy điện Bình Điền thu giữ nên rủ 6 người làm thuê cho mình (đều ở Quảng Bình) lên Trạm KL nói trên để lấy thuyền. Trước khi đi, hai trong số sáu đối tượng xuống nhà bếp của gia chủ lấy hai con dao phát rừng mang theo. Đến bến thuyền tại Trạm KL lòng hồ thủy điện, thấy thuyền buộc tại đây, Lê Văn Mong tự ý vào mở dây để lấy. Lúc đó, năm cán bộ Hạt KL thị xã đang đứng tại bến thuyền và ông Lê Văn Nhật Phương ngăn cản Lê Văn Mong thì bị một đối tượng vung dao dọa chém buộc ông này phải nhảy xuống nước. Thấy vậy, ông Trương Minh Nhật lấy điện thoại di động ra để điện báo đồng đội cũng bị một đối tượng khác dọa chém không cho gọi. Sau khi lấy thuyền, Lê Văn Mong gọi các đối tượng trên lên thuyền dong thẳng đến khu vực khe Cù Mong (lòng hồ thủy điện Bình Điền) để dìm thuyền xuống nước cất giấu. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, theo yêu cầu của cán bộ KL, Lê Văn Mong đem thuyền đến giao nộp tại Trạm KL nói trên.
 
Thượng tá Hoàng Ngọc Thạch cho hay, ngày 12/11/2012, Cơ quan CSĐT CA thị xã khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Văn Mong về hành vi cưỡng đoạt tài sản để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Gần 10 ngàn m2 rừng trồng bị thiêu rụi
 
Khoảng 7 giờ ngày 18/8/2012, ông Lê Minh Thảo (trú Tây Thượng, Phú Thượng, Phú Vang) có hành vi đốt thực bì (đốt dọn vệ sinh khu rừng đã khai thác) tại khoảnh 1, tiểu khu 105 (xã Hương An, Hương Trà). Do không thực hiện đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, ông này để cháy lan sang khu vực rừng trồng của hai hộ ông Đặng Ngọc Khoa và Hà Lội (đều trú tại Hương An). Trước đó, tháng 7/2012, ông Lê Minh Thảo cũng bị xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
 
Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Thạch, để có căn cứ xử lý hành vi của ông Lê Minh Thảo, Cơ quan CSĐT CA thị xã trưng cầu Hội đồng giám định tư pháp lĩnh vực nông nghiệp và PTNT tỉnh về diện tích rừng bị cháy nói trên. Kết quả, tổng diện tích rừng bị thiệt hại do vụ cháy gây ra: 9.529m2
 
Xét tính chất, mức độ và nhân thân người vi phạm, vừa qua, Chi cục KL tỉnh đề xuất UBND tỉnh xử phạt ông Lê Minh Thảo 40 triệu đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (QL,BVR) và quản lý lâm sản theo thẩm quyền; đồng thời, buộc thanh toán toàn bộ chi phí trồng lại rừng và chữa cháy rừng nói trên.
 
Tăng cường các biện pháp QL,BVR
 
Năm 2012, lực lượng KL tỉnh phát hiện xử lý 700 vụ vi phạm Luật BV&PTR và phạt tiền hơn 200 vụ với gần 2 tỷ đồng, tịch thu nhập kho Nhà nước hơn 700 m3 gỗ các loại, thả lại vào môi trường tự nhiên hơn 100 cá thể động vật rừng, thu nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng; đồng thời, hoàn tất hồ sơ chuyển các cơ quan CSĐT CA thị xã Hương Trà, Phú Lộc hai vụ vi phạm quy định về PCCC rừng và 02 vụ chống người thi hành công vụ.
“So với cùng kỳ năm 2011, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) trên địa bàn tỉnh tăng. Đáng lưu ý, trước sự cương quyết đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm về pháp luật lâm nghiệp, tình trạng chống người thi hành công vụ đã và đang diễn ra gần đây ở Bình Điền (Hương Trà) và A Lưới gây không ít khó khăn đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để chống trả một cách quyết liệt nhằm phi tang, chiếm đoạt lại tang vật vi phạm bị bắt giữ. Các đối tượng vi phạm huy động số đông các thành phần quá khích để tấn công đối với công chức, cán bộ KL hòng lấy lại thuyền là tang vật hoặc huy động người để tẩu tán lâm sản và hủy hoại tài sản của cán bộ KL đang làm nhiệm vụ. Do vậy, các cấp quan tâm giám sát, chỉ đạo các cơ quan chức năng theo thẩm quyền xử lý dứt điểm các vụ việc nêu trên” - ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, kiến nghị.
 
Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các nhóm đối tượng chủ xâu, đầu nậu thuê mướn người, phương tiện vào rừng khai thác gỗ trái phép. Do vậy, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật BV&PTR, không để xảy ra các điểm “nóng” có nguy cơ cao tệ nạn phá rừng, gây tổn hại đến môi trường rừng, đề nghị các các địa phương, sở, ban ngành chức năng liên quan và các chủ rừng tiếp tục triển khai việc tăng cường các biện pháp QL,BVR để tiến đến hạn chế đến mức thấp nhất đối với tệ nạn này.
Bài và ảnh: Vĩnh Cự