Từ các vụ việc sai phạm đã xảy ra cho thấy, người được giao trọng trách đã lạm dụng quyền lực của mình để làm những điều sai trái. Sai phạm của cá nhân thì đã rõ, nhưng cũng phải nói đến trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ trong giai đoạn xảy ra sai phạm đó. Do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giảm sát nên sai phạm mới xảy ra trong một thời gian dài. Nếu chỉ chạy theo các vụ việc sau khi đã xảy ra sai phạm thì rất khó ngăn chặn được tận gốc.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khai mạc ngày 5/5 tại Hà Nội

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sự gương mẫu của người đứng đầu tổ chức Đảng là rất quan trọng để mọi đảng viên, quần chúng noi theo.

“Đảng ta là đảng cầm quyền. Do đó, kỷ luật Đảng thực hiện rất nghiêm minh. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, đó là kim chỉ nam chỉ đạo cho toàn Đảng, toàn dân xây dựng kỷ cương pháp luật và thực hiện để xây dựng đất nước. Kỷ luật của Đảng thì mọi đảng viên phải chấp hành, không có miễn trừ bất cứ ai, giữ cương vị gì trong Đảng, từ người cao nhất đến đảng viên bình thường đều phải chấp hành”, ông Rinh bày tỏ quan điểm.

Xây dựng Đảng luôn bao hàm cả việc xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng. Tham nhũng, lãng phí chính là một trong những nguyên nhân làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.

Ông Hồ Việt Hiệp, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang cho rằng, muốn Đảng luôn trong sạch, vững mạnh thì pháp luật về phòng chống tham nhũng và hàng loạt những vấn đề lớn khác cần phải hoàn thiện hơn. Luật pháp chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ sẽ nảy sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Do vậy, để chống được tham nhũng hiệu quả, cần có chế tài cụ thể và xử lý nghiêm.

“Chúng ta chưa nghiên cứu để có giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực. Theo tôi muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế hoặc thể chế đó phải được thể chế bằng pháp luật, và hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh, kín kẽ đến mức người ta không thể tham nhũng. Chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm người ta sẽ không dám. Và cuối cùng phải có chế độ chính sách để khi có ý định tham nhũng, họ sẽ phải cân nhắc với với lợi ích họ đang có, mà không muốn tham nhũng”, ông Hồ Việt Hiệp nói.

Bài học về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là chống nguy cơ sai lầm về đường lối, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, sai lầm về lựa chọn và bố trí cán bộ, tệ quan liêu xa rời quần chúng. Vấn đề đặt ra có ý nghĩa rất quan trọng là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đổi mới và hoàn thiện phương thức hoạt động và phong cách công tác của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng cần phải xây dựng ý thức triệt để chống tham nhũng, đặc quyền đặc lợi cả trong tư tưởng cũng như trong hành động. Với lương tâm của người cộng sản, mọi cán bộ đảng viên phải nghiêm túc xem xét đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống, người có chức vụ càng cao đòi hỏi gương mẫu càng lớn, không ai có quyền tự ban phát cho mình đặc quyền, đặc lợi.

“Theo tôi, Quốc hội cần có đạo luật quy định chính sách, chế độ được hưởng đối với quan chức. Nếu không niềm tin của dân sẽ ngày càng suy giảm”, Thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị.

Quyền lực không bị giám sát chặt chẽ thì dễ dẫn đến tha hóa. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tha hóa, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Với hướng tâm của người cộng sản, mọi cán bộ, đảng viên nghiêm khắc xem xét lại mình. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban phát cho mình những đặc quyền, đặc lợi. Tất cả phải bắt đầu từ đây và cũng từ đây, nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào Đảng, bảo vệ Đảng; được vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội sẽ luôn được củng cố vững chắc.

Theo VOV