Nhà thơ Đức Jan Wagner (ngoài cùng bên trái) trong buổi giao lưu với văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế   

Trò chuyện với một nhà thơ người Đức không dễ dàng. Người đàn ông có mái tóc màu vàng ánh kim đó toát lên vẻ thu hút khiến người đối diện phải xoáy sâu vào ánh mắt để hiểu ý nghĩa của từng câu chữ mà ông nói. 15 tuổi, vì quá thích thú với những bài thơ bằng tiếng Đức, tiếng Anh đọc được, Jan Wagner bắt đầu tập tễnh làm thơ. 29 tuổi, cho ra mắt tập thơ đầu tiên, đến nay gia tài thơ của anh là 7 tập thơ với hàng trăm bài thơ. Anh nói rằng, bất cứ thứ gì cũng có thể đem lại cảm hứng cho việc làm thơ của mình, như nước (anh chỉ vào chai nước khoáng đang đặt trên bàn), hay là chén đậu hũ.

“Thơ mang lại cho tôi cảm giác của sự tự do tuyệt đối. Với tôi, trong thơ tất cả đều có thể xảy ra”, Jan Wagner nói. Anh sáng tác thơ theo khuynh hướng hiện đại, không bó buộc theo những quy chuẩn nào, diễn tả thế giới xung quanh thành những tính cách nên thơ, trữ tình.

Jan Wagner rất trẻ so với tuổi 46 của mình, vừa tinh tế lại vô cùng hoạt bát như chàng trai tuổi đôi mươi. Chính thơ ca đã giữ được tuổi trẻ của anh, toát lên từ thần thái vui tươi, từ ánh mắt mến yêu với cuộc đời.

Thơ của Jan Wagner không bắt nguồn từ những gì cao siêu, ngược lại, anh lấy cảm hứng từ những thứ vụn vặt đến tầm thường mà hầu như chúng ta đều không nghĩ nó sẽ thành thơ. Đó là hình ảnh con muỗi, thùng nước hay một bánh xà phòng đang bé đi từng ngày:

“cân nặng như phiến đá nắm trong tay

sủi bọt, thành mềm

người ta rửa từ kain cho đến abel

một lần quên, nó vữa

thành mảnh thiên thạch xù xì

nhưng giờ nó nằm ướt và óng ánh

như thứ gì từ đáy biển

vừa trỗi lên, một giây quý giá”

(Trích đoạn bài thơ “thử viết về xà phòng” qua bản dịch của Thái Kim Lan)

Dịch giả Thái Kim Lan nhận xét: “Thơ Jan Wagner tưởng chừng như đơn giản nhưng rất khó dịch. Thơ anh không viết hoa, dù là sau dấu chấm hay danh từ riêng. Thơ anh cũng chẳng hề gieo vần điệu, nhưng bật lên âm thanh trong từng chữ. Chính những điều đó đã mở rộng thêm giới hạn của ngôn từ”. Khi viết hoa thường là người ta muốn nhấn mạnh một điều gì đó, nhấn mạnh đó là danh từ riêng, đó là chữ đầu câu, nhưng với Jan Wagner, anh coi mỗi chữ đều có trọng lượng bằng nhau. Thêm vào đó, thơ là những cái ngắt dòng, mỗi khi xuống hàng chữ đầu dòng viết hoa, mà thơ có phải cứ hết ý mới ngắt câu như văn xuôi đâu. Jan Wagner cho rằng việc không viết hoa sẽ giúp khi xuống hàng từ không bị vỡ ý, chữ này có thể liền với chữ kia, khiến người đọc và chính bản thân anh không bị vấp chữ.

Còn với dịch giả Trần Ngọc Cư thì: “Tôi mù tiếng Đức và không biết nhiều về thơ Đức, nhưng qua các bản dịch thơ Jan Wagner tôi bắt đầu biết thưởng thức ý vị trong thơ của anh. Thơ Jan Wagner có sự bình đẳng, có sự vui đùa. Dường như tách rời với chủ nghĩa thơ hiện đại, khi mà thơ được coi là bài toán khó với những ngụ từ, biểu tượng cần phải giải mã thì thơ của Jan Wagner đi trực tiếp và mang tính vui nhộn”.

Jan Wagner sinh ngày 18/10/1971 tại Hamburg CHLB Đức, là nhà thơ, nhà văn, thông dịch viên, nhà phê bình văn học; hội viên của Viện Hàn lâm Bayern về mỹ thuật, Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương tại Mainz, Viện Hàn lâm Đức về ngôn ngữ và thi ca ở Darmtadi và của Trung tâm Văn bút PEN Đức.

Tập thơ “Biến tấu thùng nước mưa” (Regentonnenvariationen) có 5 chương, bao gồm 57 bài thơ, đã đoạt giải Hội chợ sách Leipzig (Leipziger Buchmesse) ngày 12/3/2015 trên lĩnh vực mỹ văn (Belletristik). Đây là lần đầu tiên một tác phẩm thơ đoạt giải này.

Đọc thơ của Jan Wagner, tôi cứ có cảm giác anh coi mỗi sự vật là một kho tàng cho cảm hứng thơ ca. Bất cứ cái gì cũng có thể khiến anh “xuất khẩu thành thi”. Mỗi sự vật anh dành cho nó một cái nhìn chủ ý, sau đó anh nhìn kỹ, anh nghiền ngẫm, rồi cuối cùng anh sống thay nó. Đó là cảnh giới khiến anh có thể liên tưởng để làm thơ. Như khi mở nắp thùng nước mưa, anh lại nghĩ mình đang nhìn vào mắt của chim sáo:

“tôi giở nắp thùng

 và nhìn vào trong con – mắt khổng lồ của chim sáo”

(Trích đoạn “biến tấu thùng nước mưa” qua bản dịch của Thái Kim Lan)

Mariha – vợ Jan Wagner chia sẻ: “Tôi và mẹ chồng là những người đầu tiên được đọc mỗi bài thơ mới sáng tác của anh. Trong thơ anh, tôi thích thú với những chi tiết, những góc nhìn mới mẻ, và tôi tìm thấy trong đó sự nối kết về tình yêu nghệ thuật với anh”.

Có một độc giả đã đặt câu hỏi rằng, liệu anh có thể sống được bằng thơ?  Jan Wagner trả lời, thay vì hỏi như vậy, tôi nghĩ nên chăng đổi lại một chút, liệu có thể sống mà không có thơ? Xin đáp rằng, không thể sống mà không có thơ. Anh đoan chắc, dù ở phương Đông hay phương Tây, dù có khác biệt tầng lớp ra sao, thơ đều không thể thiếu trong cuộc sống của con người.

Câu chuyện về thi ca là một câu chuyện dài và khó mà nói hết được. Để kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hỏi Jan Wagner rằng anh sẽ viết một bài thơ về Huế chứ. Anh cười trìu mến, chắc chắn là thế rồi. Và tôi tin Jan Wagner không hề nói dối, bởi một người luôn biết tìm ra khía cạnh khác nhau của sự vật, để rồi vỡ ra cảm giác khác và làm thơ thì không dễ dàng gì bỏ qua nơi mà anh từng đến – một kho tàng cảm hứng thi ca mới được.

Phước Ly