Đó là người dân có thêm một nguồn lực để thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 -2020 được UBND tỉnh phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 144 tỷ đồng (gồm nhiều nguồn) là một con số đáng kể.

Điều dễ nhận thấy là nó đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua nhiều năm thực hiện, nhiều mô hình tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn được hưởng lợi từ chương trình này.

Để quá trình thực hiện chương trình khuyến công đảm bảo công bằng, nguồn vốn đến những nơi cần sự hỗ trợ nhất là điều hết sức quan trọng. Ở khu vực nông thôn, nguồn lực về vốn của người dân phần lớn là nhỏ, giữa nguồn vốn khuyến công so với nhu cầu vẫn là một khoảng cách. Chính vì vậy, trong quá trình điều hành thực hiện, nên kiểm soát chặt chẽ các vấn đề có thể phát sinh:

Đó là phải đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận thông tin chương trình. Bằng nhiều kênh thông tin, khi chương trình triển khai nhất thiết phải làm sao cho mọi đối tượng có nhu cầu tiếp cận được thông tin về sự hỗ trợ của chương trình để họ đăng ký tham gia. Điều này phải thực hiện công khai bằng nhiều kênh. Hết sức tránh tình trạng nhiều người có nhu cầu như nhau nhưng người biết, người không.

Mặc dù quyết định của UBND tỉnh có quy định hết sức cụ thể đối tượng, các điều kiện, quy trình xét duyệt… tuy nhiên, trong thực tế, do nguồn vốn có hạn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu. Làm thế nào để công bằng trong việc này, tránh tình trạng thiên lệch là điều hết sức chú ý. Nói như thế bởi tình trạng thiên lệch dẫn đến kiện cáo đã xảy ra ở một số tỉnh, thành. Để tránh tình trạng này, phải xây dựng và bám sát các tiêu chí, xây dựng tuần tự các tiêu chí ưu tiên. Trong đó, những sáng tạo tạo ra những sản phẩm mới; sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất; những cơ sở có ảnh hưởng đến phát triển cộng đồng; phát huy các giá trị của ngành nghề truyền thống là những lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích.

Ví dụ tại một cơ sở sản xuất máy ấp trứng, người chủ cơ sở đã mày mò nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy ấp trứng. Sự thành công của sáng kiến này chẳng những đem lại nguồn lợi cho chính người tạo ra nó mà còn tác động đến việc phát triển chăn nuôi ở khu vực nông thôn. Những mô hình như thế này là hết sức hỗ trợ, khuyến khích. Nhưng ngược lại, chẳng hạn như sản xuất bánh mỳ, trước đây lò bánh mỳ đốt bằng củi, bây giờ chuyển qua đốt bằng điện. Xét theo quy định có thể đúng về nhiều phương diện. Tuy nhiên cần lưu ý một điều là mô hình này phải là sự cải tiến thật sự trong phương thức sản xuất, đem lại hiệu quả chứ không phải là hỗ trợ để họ mua một chiếc máy sản xuất bánh mì hoạt động bằng điện được bán trên thị trường.

Một vấn đề cần lưu ý khác là với quy định hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công cho các mô hình theo một tỷ lệ phần trăm. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, rất có thể xảy ra tình trạng  tính toán chi phí  đầu tư “đội giá”. Khi giá trị được tính cao hơn thực tế thì tỷ lệ phần trăm cũng cao theo. Thường khi đã xét duyệt, hỗ trợ thì nó đã chứa đựng cái cơ chế mà ta thường hay gọi là “xin – cho” cho nên hết sức đề cao sự công tâm, trong sáng để tránh những hệ lụy có thể phát sinh.

LÊ PHƯƠNG