Hôm rồi bạn mời đi ăn, bảo có quán ăn vừa xuất hiện món lạ nhất Huế. Đến quán, ông chủ tự tay bưng món ăn lên tận bàn, giới thiệu đặc sản hoa huệ 3 món: xào thịt bò, luộc chấm mắm kho quẹt và gỏi hoa huệ tôm thịt. Nhìn những bông hoa được đặt tinh tế trên đĩa, có bông còn xanh biếc, có bông he hé nở một màu tinh khôi, cứ ngỡ như nghe được cả hương hoa thơm ngát quyện trong gió.

Gỏi hoa huệ trộn tôm

Loài hoa chuyên để cúng được dùng làm thức ăn, đối với nhiều người quả là có một không hai. Nhưng với một người sinh ra từ vùng đất hoa như tôi lại quá đỗi thân quen.

Ngày đó, vùng đất Hương Thọ (Hương Trà) từng một thời nổi tiếng vì trồng nhiều hoa huệ. Cứ tháng ba, tháng tư về, nhà nhà lại vỡ đất trồng hoa. Cũng như nhiều nhà khác trong làng, sinh kế của gia đình tôi thủa ấy là mấy sào huệ. Tiền ăn học của bọn tôi, cũng từ những luống hoa ấy mà ra. Hoa huệ là loài cây cực kỳ kén đất. Nó chỉ sinh sôi nảy nở trên đất mới. Không có đất để xoay vòng, ba mạ tôi phải sang làng bên thuê đất trồng hoa. Thời ấy đường sá chưa thông như bây giờ, xe cộ cũng chẳng có. Ba đi chặt tre, rồi vác xuống đầu làng thuê người đan chiếc ghe nan. Cứ sáng sớm, ba mạ lại xuống ghe, chèo lên rẫy đến tối mịt mới về.

Tôi vẫn nhớ những ngày hè đổ lửa, nắng đến cháy lưng, rồi những ngày tháng 10 lạnh cắt da thịt, mưa không kịp vuốt mặt, cả nhà phải bò quanh từng luống hoa tỉ mẩn nhặt cỏ. Hoa huệ nở bông đúng dịp rằm tháng 4, rằm tháng 7, và nhất là dịp Tết Nguyên đán mới có giá cao. Cứ chục bông có giá vài chục ngàn. Ngày thường, một chục bông bán 2 ngàn đồng còn chẳng có người mua.

Những ngày hoa rẻ, ba thường than: “Giá mà có thể đem nấu ăn thì hay biết mấy”. Một hôm, mẹ tôi nhóm lửa trên đồng nấu nước. Tôi bẻ mấy bông hoa thả vào, muốn làm trà hoa. Đến bữa cơm, anh hai lấy ra ăn thử, không ngờ lại ngon hết biết. Ba cười, bảo cả đời chỉ biết ăn hoa bí, hoa lý… không ngờ còn có thể ăn hoa huệ. Mấy chục năm trồng bông, giờ ba mới biết hoa huệ ăn ngon không kém mấy loài hoa khác.

Từ đó, những ngày lên rẫy, trong bữa cơm đạm bạc giữa rừng, mẹ thường luộc vội mấy búp hoa huệ, chấm với mắm kho quẹt đưa cơm. Mẹ bảo, mỗi lần nấu hoa ăn, bà chỉ muốn rớt nước mắt. Vì khi đó hoa "rẻ như bèo”, ăn chẳng hết, nhưng bán chẳng được mấy tiền. Những trưa anh ba xuống khe suối, bắt được mấy con tôm đá, mẹ sẽ đổi thành món bông huệ xào tôm. Tôm bóc vỏ, ướp gia vị. Bắt chảo lên bếp, phi hành rồi cho tôm vào xào chín, sau đó cho bông huệ đã rửa sạch vào, xào trên lửa lớn cho chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.

Rảnh rỗi, chị hai sẽ “biến tấu” hoa huệ thành món gỏi chua ngọt rất bắt mắt. Hoa làm gỏi phải tách bỏ cuống, chần qua nước sôi rồi vớt bỏ vào nước đá để hoa vẫn giữ được màu xanh bắt mắt. Chị băm mấy tép tỏi, đôi quả ớt, thêm chút tiêu, rồi cho vào chén nước mắm có pha chút nước ấm cho bớt mặn, vắt vào một quả chanh, cho thêm mấy muỗng đường là thành hỗn hợp nước trộn gỏi. Hoa huệ xếp lên đĩa, rải lên trên nhúm rau húng, rau thơm cắt nhỏ vừa được hái sau vườn, sau đó chan nước gỏi vào trộn đều là dùng được. Chỉ hôm nào có tiền đi chợ, chị hai mới thêm vào gỏi ít thịt ba chỉ, hoặc tôm tươi luộc.

Món ăn một thời gian khó đã lùi xa vào quá khứ. Chẳng ngờ có ngày, nó lại xuất hiện ở phố thị xa hoa.

Bài, ảnh: Linh Chi