Hôm nay (11/5), Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan có một ngày làm việc bận rộn nhất với 11 phiên thảo luận của các nhóm làm việc. Trong đó nổi bật là hội thảo về thông tin thị trường lao động trong thời đại kỹ thuật số, họp đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo và đối thoại chính sách thương mại về dịch vụ môi trường.

Phiên thảo luận về việc làm trong khuôn khổ SOM 2

Tại Hội thảo APEC tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam chủ trì, các đại biểu nhấn mạnh thế giới việc làm đang trải qua những biến đổi về cơ cấu to lớn do những tiến bộ công nghệ, tăng cường sản xuất chuyên môn hóa, nhu cầu thành thạo nhiều kỹ năng mới và mối quan hệ việc làm đang thay đổi.

Các quan chức cấp cao APEC cho rằng, công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, quá trình này cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời và tăng tính dễ bị tổn thương và việc làm phi chính thức.

Trên phạm vi toàn cầu, có thể thấy rằng lao động trong các lĩnh vực trí óc và tay chân đã tăng lên liên tục so với lao động thường xuyên kể từ những năm 1980. Các nền kinh tế thành viên APEC đang đối mặt với những thách thức trong đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau. Đây cũng là những thách thức đối với APEC trong việc thực hiện ciaỉ cách cơ cấu nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực và phục hồi thị trường.

Các đại biểu tham dự đã thảo luận về kinh nhiệm, về mô hình đào tạo nghề, các chính sác về thị trường lao động, về an sinh xã hội, những giải pháp để các nền kinh tế chủ động hợp tác trong tiến trình phát triển bền vững.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: các đại biểu APEC quan tâm đặc biệt đến tương lai của việc, những nhóm lao động nào sẽ được hưởng lợi, sự dịch chuyển lao động giữa các nền kinh tế như thế nào, những nhóm lao động nào sẽ cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận được, hưởng lợi được từ cách mạng lần thứ 4 và trong bối cảnh như thế thì thị trường lao động sẽ sao.

Chủ đề việc làm có thể được coi là sáng kiến của Việt Nam, vì trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4, sự hợp tác giữa các nền kinh tế APEC rất quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp đánh giá.

Các tham luận, sáng kiến, đề xuất đưa ra tại Hội thảo APEC tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động sẽ góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như là đầu vào cho Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ được tổ chức vào ngày 15/5 tới.

Cũng trong ngày 11/5, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC tham dự các cuộc họp của Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, Hội thảo về sức khỏe phụ nữ cho nền kinh tế khỏe mạnh; Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực với Hội thảo về Kế hoạch hành động của Chiến lược giáo dục APEC.

Bên cạnh đó, Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn có Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm-Hội thảo về hiện đại hóa hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm; các cuộc Đối thoại về công nghiệp ô tô lần thứ 26; Nhóm đặc trách về khai khoáng lần thứ 11; Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo; và cuộc họp của Ủy ban Thương mại và Đầu tư- Đối thoại Chính sách Thương mại về dịch vụ Môi trường./

Theo VOV