Trở về sau một chuyến đi biển
Có người còn dạy chồng… đi biển
Vạn trưởng thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) Trần Đình Ba, một tay đi biển cừ khôi chắc nịch với tôi: “Không chỉ ở thôn Phú Hải, khắp các làng biển ở xã Lộc Vĩnh, cánh phụ nữ nơi chân sóng khiến những đàn ông có sức vóc cũng phải nể phục”. Rồi anh mô tả dáng hình của phụ nữ làng biển thế này: “Phụ nữ ở đây ít người mập. Dáng họ thường cao, gầy, tay chai sần và có phần gân guốc, sức vóc không kém chi đàn ông”. Anh Ba “cụ thể hóa” lời nói của mình bằng cách ví dụ những nhân vật có “số má” như, bà Trần Thị Vân, chị Nguyễn Thị Bích, chị Lê Thị Hòa…
Bà Trần Thị Vân (thôn Phú Hải), “nhân vật” trong lời nói của anh Ba, đã ngoài tuổi ngũ tuần, ngồi vắt chéo chân thủng thẳng nói: “Tui đã hơn 30 năm làm bạn với thuyền. Ban đầu chỉ phụ giúp chồng những công việc đơn giản. Nhưng thấy chồng làm việc nặng nhọc nên tui quyết theo chồng đi biển, rồi trở thành lao động. Ở một số làng biển khác, phụ nữ mà bước lên thuyền là điều không hay, nhưng ở đây, thuyền không có phụ nữ thì cá, tôm không đầy khoang được”. Lời nói của bà Vân được chồng bà “đảm bảo” khi ông chen ngang: “Không có họ, đàn ông mần biển một chắc không ngạ. Thuyền 24 CV thì làm răng chồng mần một chắc được”.
Ngược dòng thời gian, khoảng ba thập kỷ trước, như bao cô gái làng biển khác, bà Vân hàng ngày cắp nón ngồi trước mũi thuyền, phụ cha đẩy thuyền, gánh cá. Dần dà, bà làm quen với sóng nước, rồi bước hẳn lên thuyền làm bạn với con sóng. “Đàn ông đi biển khổ một, phụ nữ đi biển khổ mười. Những buổi đầu chưa quen, chuyện say sóng xanh xẩm mặt mày như cơm bữa. Hay những đêm đông buốt giá, khi kéo rập cá tay tê cứng, mắt thâm quầng bởi thức đêm canh lưới, người run cầm cập. Trong khi đàn ông trở về sau chuyến biển nằm dài chờ… cơm thì tụi tui phải kiêm luôn việc đi chợ, nấu nướng. Với những người có con nhỏ, suốt ngày lênh đênh trên biển, con ở nhà khát sữa nhưng cũng phải đành chịu”, bà Vân tâm sự.
Trong số những phụ nữ bám biển ở những làng chài bên chân sóng có không ít người trẻ tuổi. Lý do họ không chọn nghiệp học hành hay một công việc nào khác đỡ vất vả là bởi đơn giản họ đã trót mê con sóng, gắn bó với nghiệp của tổ tiên để lại. Chỉ vừa tròn 30 tuổi, chị Nguyễn Thị Bích (thôn Phú Hải) đã có thâm niên gần 20 năm đi biển. Chị kể, nhà đông anh em, gia cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn nên lấy nghiệp đi biển làm kế sinh nhai. “Anh em tui đều theo cha đi biển. 13 tuổi tui đã vượt sóng cùng cha hàng đêm rập cá, đến mùa bủa lưới mực, bắt tôm hùm. Sau này, trở thành lao động chính, bất kể mùa nào cũng dong buồm vượt sóng. Cứ như thế mê nghề biển lúc mô không hay”, chị Bích chia sẻ.
Bây giờ, chị Bích là một trong những tay đi biển có “hạng”, khiến cánh đàn ông phải “mắt tròn mắt dẹt”. Hàng ngày, một mình chị điều khiển con thuyền 24 CV, băng qua những luồng lạch vươn khơi bám biển. “Con Bích đi biển giỏi lắm. Hắn là trong số ít phụ nữ ở đây tự quay nổ máy D24, lái thuyền đánh bắt. Lấy chồng không phải là dân làm biển, hắn dạy luôn chồng đi biển. Dù sóng gió hay mưa lạnh, cũng đèo chồng vươn khơi. Hôm nào, chồng quá chén hắn tự lái thuyền đi một mình luôn. Nhờ rứa mà lúc trước nhà nghèo chừ đã khấm khá hơn rồi”.
Chị Trần Thị Hồng vá lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho những chuyến biển tiếp theo
Mong biển bình yên
Đến những làng chài xã Lộc Vĩnh, câu chuyện đền bù về sự cố môi trường biển vẫn còn râm ran. Nếu như những làng biển khác cánh phụ nữ chỉ biết “hóng” chuyện, thì với những nữ lao động biển xã Lộc Vĩnh, họ là những nhân vật trung tâm. Ngồi bên mép thuyền, vá lại ngư lưới cụ sau chuyến biển trở về, chị Trần Thị Hồng (thôn Phú Hải) thổ lộ: “Vừa rồi, từ tiền được chi trả do sự cố môi trường biển, vợ chồng tui sửa lại thuyền, mua ngư lưới cụ mới để đánh bắt”.
Nhưng rồi chị Hồng thở dài: “Cá, tôm chừ cũng mất mùa. Mấy năm trước, chỉ cần ra một đoạn đặt cá rò đã được mấy tạ. Tôm hùm con thì theo con nước, loại ni giúp nhiều gia đình làm giàu nhưng chừ cũng ít đi. Không như ở các làng biển khác, ở đây tụi tui đi biển phân chia hẳn mặt nước để đánh bắt. Đi từ 4 giờ sáng, đến lúc mặt trời tỏ, trên mặt nước thấy rặc dân làng như hội. Quá trình đánh bắt, đàn ông chắc chắn có kinh nghiệm hơn tụi tui nhưng ai tinh tường, am hiểu con nước thì “tham mưu” cho chồng vùng đánh bắt, vợ khuyên chồng đúng thì cá, tôm mới đầy khoang được”.
Chuyện phụ nữ đi biển không chỉ có ở xã Lộc Vĩnh, đâu đó tại các vùng nơi cửa biển, họ quyết nối nghiệp của tổ tiên để lại khi chồng không may “bán mạng” cho đại dương. Thử trắc nghiệm độ “lỳ” của phụ nữ Lộc Vĩnh khi nhắc những lần tử thần lấy đi mạng sống của ngư dân, lạ thay, họ chẳng hề run sợ. “Biển tháng 5, tháng 6 êm, phẳng lỳ nên dong thuyền vượt sóng chẳng có chi phải ngại. Những lúc biển động, nhìn trời, nhìn trăng mà đi, đã quen với con sóng rồi thì gió thổi cấp mấy sẽ biết ngay. Ở đây cũng có nhiều người mất mạng trong những lần mưu sinh trên con sóng, phụ nữ đi biển cũng thiệt thòi vì sức vóc không bằng đàn ông nhưng đổi lại tụi tui chịu khó và có tính cẩn thận”, bà Vân bày tỏ.
Dù nói thế nào đi nữa thì kinh nghiệm đi biển của phụ nữ chưa bằng đàn ông, nhưng một khi đã theo chân con sóng, những nguyên tắc cơ bản của nghề họ thuộc trong lòng bàn tay. Bởi thế mà ở những làng chài Lộc Vĩnh, nhiều người ví von đi biển thiếu phụ nữ như thuyền mất đi một mái chèo. “Đi biển đầu tiên phải biết bơi, am tường tác dụng của các loại ngư lưới cụ và con nước. Tiếp đến phải biết điều khiển thuyền phòng trường hợp gặp sóng dữ, nhìn mặt nước đặt ngư lưới cụ như răng cho hợp lý. Thông thường mỗi thuyền 24 CV một người không thể kham nổi, nên vươn khơi cùng chồng cần biết phân phối sức, chia sẻ gánh nặng với chồng”, bà Vân đúc kết.
Hơn 20 năm gắn bó với con sóng, chị Hồng không chỉ cùng chồng đánh bắt mà còn là người “tham mưu” có hiệu quả cho chồng trong việc chọn mặt nước khai thác, nhất là với những chuyến biển xa nhà, chị là điểm tựa giúp chồng vững tin. “Vợ chồng tui ngoài đánh bắt ở biển Lộc Vĩnh, Vinh Hiền, đến mùa còn đánh thuyền vào biển Đà Nẵng để lặn chép chép. Nghề lặn, làn ranh sinh tử chỉ trong gang tấc. Người dưới nước đặt cả tính mạng vào người trên thuyền cầm vòi hơi. Chồng lặn tui sẽ là người cầm vòi hơi chứ không giao cho người khác để chồng có tuyệt đối niềm tin”, chị Hồng bày tỏ.
Biển bây giờ đã dần hồi sinh, dẫu ánh mắt của phụ nữ những làng biển nghèo như tiếc nuối một điều gì đó nhưng họ vẫn tin biển sẽ không phụ lòng người. Trước lúc chia tay, chị Hồng trầm tư: “Biển lúc được mùa, lúc gặp khó là lẽ thường tình. Đã trót gắn với biển rồi thì làm răng dứt được. Chỉ mong sắp tới biển sẽ bình yên”.
"Ở địa phương có nhiều lao động biển là phụ nữ, tập trung ở thôn Phú Hải, Bình An… hàng ngày theo chồng vươn khơi bám biển; trong số đó có những người là lao động chính của gia đình" Ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh |
Bài, ảnh: LÊ THỌ