Tại cuộc thảo luận của hãng thông tấn CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN từ ngày 10-12/5, nhóm các chuyên gia xác định 3 ý tưởng chính mà khu vực cần tập trung.

Nhóm chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: CNBC

ASEAN không cần mô hình kiểu EU

Được thành lập vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN mong muốn thực hiện hội nhập kinh tế và tài chính giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự hỏi, liệu khu vực sẽ tốt hơn khi đi theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU), cũng như xây dựng liên minh tiền tệ.

"Tôi không nghĩ rằng, chúng ta phải đi đến việc thành lập liên minh chung, nhưng nếu chúng ta có thể làm cho biên giới thành điểm kết nối để mọi thành viên đều được hưởng lợi, thì ASEAN có thể tồn tại như một khối thương mại và không nhất thiết là một mô hình của EU", ông John Rice, Phó Chủ tịch tập đoàn đa quốc gia General Electric của Mỹ nhận định.

Thay vì kết nối ASEAN bằng một đồng tiền duy nhất, một sân chơi bình đẳng của dòng chảy tự do về nguồn nhân lực và tài chính sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, ông Rice nói thêm.

Có một số bài học mà ASEAN có thể thu được từ mô hình của châu Âu, nhất là trong bối cảnh chống lại toàn cầu hóa hiện nay, bà Grete Faremo, Tổng thư ký, kiêm Giám đốc Điều hành của Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hiệp quốc (LHQ) khẳng định.

Theo bà Faremo: "Tất cả hướng đến sự hòa nhập và không bỏ lại ai phía sau. Những quy tắc cam kết nào mà chúng ta phải có nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người?"

ASEAN phải thân thiện với tất cả quốc gia

Theo chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Washington rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều quốc gia Đông Nam Á tiến gần hơn đến Bắc Kinh, bởi lời hứa đầu tư của họ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một cường quốc thống trị trong khu vực.

Trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, điều quan trọng là ASEAN không nên lựa chọn bên nào, ông George Yeo, Chủ tịch Kerry Logistics, cựu Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh.

"Chúng ta phải thân thiện với tất cả các bên và thực hiện một nền tảng trung lập, để các nền kinh tế lớn quan tâm đến lợi ích của chúng ta. Trong 10-20 năm tới, cơ sở hạ tầng của ASEAN sẽ được cải thiện vượt ra ngoài nhận thức của chúng ta. Có nhiều cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á trở thành những nước phát triển, đây là một cơ hội lịch sử. Chúng ta không nên để căng thẳng giữa các nước láng giềng vượt ra ngoài tầm kiểm soát", ông Yeo cho hay.

Không thể bỏ qua sức mạnh của internet băng thông rộng

Cải thiện cơ sở hạ tầng internet, nhất là kết nối và tốc độ băng thông rộng là điều cần thiết đối với sự phát triển, ông Tan Sri Jamaludin Ibrahim, Giám đốc điều hành của tập đoàn Axiata Group lưu ý.

Ông Ibrahim giải thích rằng, nếu băng thông rộng là một phần của chương trình nghị sự quốc gia, các Chính phủ có thể tăng tốc và tiếp cận với dân số trẻ tuổi của ASEAN, nhằm phát triển tốt hơn.

"Điều này sẽ mang lại lợi ích cho mọi khía cạnh của xã hội, nhất là tài chính. Băng thông rộng là cơ hội để chúng ta vượt qua các quốc gia phát triển", Giám đốc điều hành Axiata Group cho biết.

Cũng theo ông Ibrahim, không phải là hoàn toàn không thể loại bỏ phí chuyển vùng dữ liệu trong khu vực. Chẳng hạn như, Singapore là một quốc gia hưởng lợi từ việc chuyển vùng, bởi nước này có rất nhiều khách du lịch; trong khi đó, Campuchia thì ngược lại. Vì vậy, ông Ibrahim kêu gọi tìm ra một cơ chế có lợi cho các bên.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)