Cách đây hơn 5 năm, người viết có dịp trò chuyện cùng một chuyên gia Nhật Bản. Khi ấy, ông đang đến giúp Huế phát triển du lịch ở Thủy Biều. Điều làm chuyên gia Nhật khi ấy băn khoăn là vấn đề ô nhiễm rác sinh hoạt trong các làng mạc, khu dân cư ở Huế và phong tục địa táng của người dân ở đây. Ông bảo: Tôi không nghĩ rằng, đến nay, người dân Việt Nam vẫn còn giữ phong tục chôn cất người chết bị xem là lạc hậu như vậy. Việc địa táng ngày nay không còn phù hợp với xu thế hiện đại vì nó gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường.

Hàng ngày đi lại trên các tuyến đường dẫn đến các nghĩa trang trên địa bàn thành phố như Tam Thai, Ngự Bình, Nguyễn Khoa Chiêm.., lại bắt gặp thường xuyên các đám tang. Các xe đưa tang rồng rắn dừng ngay trên đường làm ách tắc giao thông, bởi nơi chôn cất người chết nằm ngay sát các tuyến đường chính. Có những cái tang để lâu ngày, người qua đường phải bất kính bịt mũi vì bay mùi. Và thật mất mỹ quan khi chỉ mới bước chân ra khỏi trung tâm thành phố vài cây số, đã gặp ngay các nghĩa địa chen chúc với nhà dân, cạnh những điểm đến như chùa Ba Đồn, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Khu di tích núi Bân... Dù việc cấm chôn cất, xây mồ mả ở một số khu vực đã được quy định nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Nghĩa địa cứ thế lấn dần đất của người sống.

Như gợi ý của chuyên gia người Nhật, có lẽ, đã đến lúc, cần đặt ra vấn đề hỏa táng để thay thế phong tục địa táng đang phổ biến, không chỉ ở Huế. Thật dễ chịu khi thấy ở các nước văn minh, những nghĩa trang được quy hoạch bài bản, với cây xanh, bóng mát, những ngôi mộ nhỏ nhắn, ngăn nắp.

Việc không sớm định hình, quyết liệt trong việc quy hoạch nghĩa trang cũng như tuyên truyền người dân thay đổi phong tục, tập quán thì vấn đề tràn lan các nghĩa địa tự phát không chỉ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí đất đai, tốn kém…mà còn khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng sau này để phục vụ yêu cầu phát triển.

Nhật Nguyên