Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, tại điều 82 của dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.

Theo Bộ LĐTBXH, đề xuất trên được đưa ra sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý lần 1, nhằm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Luật Lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ do các bên thỏa thuận nhưng số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.

Khi triển khai quy định này, tại các lần hội thảo tổng kết Luật Lao động và đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp đều kiến nghị nâng thời gian làm thêm tối đa lên 600 giờ/năm.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng) vì việc quy định này cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh như: gia công hàng hóa xuất khẩu, chế biến thủy hải sản xuất khẩu.

Đồng thời, sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế)…Các con số trên chứng tỏ số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (không quá 200 giờ /năm).

Do vậy, tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lấy ý kiến góp ý lần thứ nhất, Bộ LĐTBXH đã đề xuất 2 phương án: Phương án 1 tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm. Phương án 2 tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo lần 1 Luật Lao động sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến, phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không ủng hộ tăng giờ làm thêm từ 200 lên 600 giờ mỗi năm, vì như vậy sẽ vắt kiệt sức lao động, trong khi chủ doanh nghiệp khó có thể tăng lương làm thêm tương ứng

“Việc tăng giờ làm thêm dù dựa trên thực tế cung cầu vẫn phải xem xét tới nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động", ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam).

Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, thành viên ban soạn thảo Luật Lao động sửa đổi, thực tế khi đi khảo sát tại các khu công nghiệp và giải quyết một số vụ đình công, ngưng việc tập thể cho thấ,y đa phần các doanh nghiệp đều quá giờ làm thêm. Bên cạnh đó, với mức lương như hiện nay, nếu muốn có thu nhập thì người lao động đều đăng ký làm thêm giờ.

“Để hạn chế vi phạm làm thêm giờ ở doanh nghiệp dẫn đến phát sinh giấy phép con và những tiêu cực từ quy định làm thêm giờ hiện nay, việc tăng thời gian làm thêm giờ so với Luật hiện hành là cần thiết .Tuy nhiên, tăng thêm bao nhiêu thì cơ quan chuyên môn phải tính toán hợp lý, không để doanh nghiệp dựa vào đó làm tràn lan, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động”, ông Phạm Minh Huân cho biết.

Theo Báo Tin tức