Sinh viên Khoa Du lịch tham gia chương trình thực tập nghề tại Thái Lan
Lý giải về điều này, PGS. TS. Bùi Thị Tám, Khoa trưởng Khoa Du lịch - Đại học Huế cho rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch trên thị trường đang rất lớn, các địa phương miền Trung và cả nước đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và nhất là Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây chính là “cú hích” của thị trường khiến cho nhiều thí sinh đăng ký vào ngành du lịch nói chung và Khoa Du lịch - Đại học Huế nói riêng.
Lý do thứ hai, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch (MRA-TP) đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức công bố (ngày 9/8/2016) tại Indonesia. MRA-TP sẽ tạo ra một cơ chế thống nhất để lao động ngành du lịch ở mỗi nước thành viên có thể được công nhận và làm việc tại bất kỳ nước nào khác trong nội khối ASEAN, từng bước hình thành một thị trường lao động du lịch thống nhất, cạnh tranh và có chất lượng. Do vậy, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch của các nước ASEAN mở ra cơ hội rất lớn cho những ai quan tâm và muốn phát triển hướng nghiệp của mình theo ngành công nghiệp năng động và thời thượng này. Trong bối cảnh thị trường đang rất mở đối với lao động du lịch thì cơ hội việc làm cho sinh viên du lịch rất lớn.
Cũng theo PGS. TS. Bùi Thị Tám, một lý do nữa khiến Khoa Du lịch - Đại học Huế thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm nay nằm ở chính thương hiệu mà Khoa Du lịch tạo dựng trong suốt hơn 10 năm qua. “10 năm là một chặng đường không dài nhưng cũng đủ dài để khẳng định thương hiệu với quy mô và chất lượng đào tạo của Khoa Du lịch - Đại học Huế”, PGS.TS.Bùi Thị Tám nói.
Năm nay, công tác quảng bá tuyển sinh được Khoa Du lịch chú trọng để thông tin tuyển sinh thực sự đến gần hơn với học sinh. “Chúng tôi kết hợp cách làm truyền thống đến quảng bá tại các trường trung học phổ thông và vận dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua mạng xã hội để thông tin đầy đủ hơn về các chuyên ngành đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho người học. Nhờ đó, thông tin về Khoa Du lịch đã đến gần hơn, rộng hơn với học sinh”, PGS.TS.Trần Hữu Tuấn, Phó Khoa trưởng Khoa Du lịch - Đại học Huế cho biết.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong các năm vừa qua là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch là tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Để đạt được mục tiêu này, nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch cần phải tăng gấp đôi con số trên, tức là tăng 100.000 lao động/năm. Đây là một cơ hội lớn cho các trường tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, đến 2015 có 620.000 lao động trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu lao động liên quan đến du lịch. Dự báo đến năm 2020 có 870.000 lao động trực tiếp trong tổng số 3 triệu lao động liên quan đến du lịch. Như vậy, tính trung bình cho giai đoạn 2015-2020, nhu cầu đào tạo nhân lực du lịch trực tiếp cần tăng thêm mỗi năm là 50.000 lao động. |
Ngọc Hà