Thí sinh dự thi năng khiếu môn Hình họa. Ảnh: Ngọc Hà

Thí sinh “lắc đầu” với ngành năng khiếu

Năm 2016, đa phần các ngành năng khiếu thiếu sinh viên so với chỉ tiêu (CT) tuyển sinh (ngoại trừ ngành giáo dục mầm non, Trường đại học (ĐH) Sư phạm). Đáng chú ý, Khoa Giáo dục Thể chất (GDTC) chỉ tuyển được 14 sinh viên (đạt 9,33% so với CT), Trường ĐH Nghệ thuật tuyển được 30% so với CT, Học viện Âm nhạc Huế tuyển được 44/150 TS ở hệ ĐH; khó khăn cũng xảy ra đối với ngành kiến trúc, Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế. Ông Nguyễn Công Hào, Phụ trách Ban Khảo thí – ĐH Huế thừa nhận: “Khó thu hút đủ người học là tình trạng chung của nhiều ngành năng khiếu, không riêng gì ở Huế mà xảy ra trên toàn quốc”.

Đáng lo ngại, năm nay tình trạng TS “lắc đầu” với ngành năng khiếu khả năng vẫn tiếp diễn. Khảo sát của nhiều trường, khoa trong các đợt tư vấn, quảng bá tuyển sinh cho thấy học sinh ở các trường THPT không mặn mà với các ngành năng khiếu do khó khăn về đầu ra việc làm. Đây là bài toán nan giải bởi các khoa, trường chỉ chịu trách nhiệm đào tạo, vấn đề đầu ra phụ thuộc khả năng của từng sinh viên. Ông Bùi Hoàng Phúc, Khoa trưởng Khoa GDTC thừa nhận, ngoài đào tạo thể dục không chuyên cho các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế, Khoa GDTC đào tạo chuyên ngành giáo dục thể chất, chủ yếu sinh viên ra trường làm giáo viên thể dục. Do tình trạng thừa giáo viên nên nhiều TS e ngại học. Cùng quan điểm, ông Mai Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Âm nhạc Huế giải thích thêm: “Không chỉ bản thân học sinh mà gia đình, nhà trường cũng tư vấn những ngành học có cơ hội việc làm cao trong khi đầu ra các ngành năng khiếu còn bỏ ngỏ, dẫn đến chuyện khó thu hút người học”.

Việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học cũng là một “thách thức” với TS theo các ngành năng khiếu, nhất là ngành GDTC. Ông Bùi Hoàng Phúc cho biết, nhiều trường hợp muốn chọn ngành năng khiếu nhưng không có lợi thế về học văn hóa nên ở kỳ thi chung, họ quyết định chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Sau khi đậu tốt nghiệp, có người không chờ năm tiếp theo để thi lại mà theo học nghề hoặc rẽ sang một con đường khác.

Hiện nay, cuộc cạnh tranh TS giữa các trường khá gay gắt, trong đó môi trường công việc sau khi ra trường cũng phần nào gây bất lợi cho những địa phương thiếu môi trường hấp dẫn với ngành học đó. Đơn cử như ngành âm nhạc, nhiều TS “lắc đầu” hoặc do dự khi đăng ký vì thị trường giải trí tại Huế chưa sôi động, khó có môi trường rèn luyện và phát triển nghề sau khi tốt nghiệp.

Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp

Những năm gần đây, các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế, Học viện Âm nhạc Huế và các đơn vị có đào tạo ngành năng khiếu tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị nhằm thảo luận giải pháp thu hút TS học ngành năng khiếu, điểm chung mà nhiều chuyên gia nói đến là phải phối hợp triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

Thông tin từ ĐH Huế, năm nay một số ngành giảm CT tuyển sinh, điển hình như Khoa GDTC giảm 65 CT so với năm 2016 (năm 2017 chỉ tuyển 85 CT), ĐH Nghệ thuật chỉ tuyển 135 CT (giảm 75 CT so với năm 2016). Thêm vào đó, Khoa GDTC mở lại ngành giáo dục quốc phòng – an ninh (trước đó tạm dừng) để đa dạng hóa ngành học. Ngoài ra, phương thức tuyển sinh của ĐH Huế cũng có nhiều cách như: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu, xét tuyển từ kết quả học tập cấp THPT (theo học bạ) kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu. Riêng với Học viện Âm nhạc Huế, cũng tiếp tục tuyển sinh thêm hệ trung cấp.

Theo các đơn vị tuyển sinh ngành năng khiếu, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác quảng bá tuyển sinh. Hiện tại, nhiều khoa, trường đã đi đến các trường THPT trong và ngoài tỉnh, kể cả vùng cao để giới thiệu ngành học. Ông Mai Anh giải thích: “Càng đi nhiều nơi quảng bá tuyển sinh thì cơ hội thu hút thí sinh càng lớn nhờ nhà trường thông tin đến học sinh đầy đủ và nắm rõ nguyện vọng người học, vì thế năm nay chúng tôi tổ chức các đoàn đi quảng bá ở Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam…”.

Hiện nay, các đơn vị đào tạo ngành năng khiếu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thu hút người học và tư vấn tuyển sinh. Ông Hào cho rằng, TS có rất nhiều thắc mắc, phân vân khi lựa chọn ngành học và trường học. Nếu các trường làm tốt công tác này thì TS sẽ có cơ sở tốt hơn để đưa ra quyết định. “Năm 2016, tôi trực tiếp tư vấn tuyển sinh, trung bình mỗi ngày lên tới vài trăm lượt câu hỏi. Việc đầu tư cơ sở vật chất công nghệ thông tin để đáp ứng tốt công tác tư vấn thực sự là một giải pháp hiệu quả”, ông Hào nói.

Rõ ràng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các đơn vị tuyển sinh năng khiếu triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thu hút người học là một cách làm cần thiết, hy vọng sẽ đem lại tín hiệu vui cho kỳ tuyển sinh 2017.

Hữu Phúc