Được tuyên truyền trước đó khá nhiều và không muốn bị xử phạt nên những ngày đầu thực hiện, các bậc phụ huynh khá nghiêm túc chấp hành. Dạo quanh các cổng trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế giờ tan trường như các trường: Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Quang Trung…, điều khiến chúng tôi rất mừng là tỷ lệ học sinh được bố mẹ chở bằng xe máy đội mũ bảo hiểm rất cao, chừng trên 95%. Tuy nhiên do vắng bóng của lực lượng cảnh sát giao thông xung quanh khu vực các trường học, nên tình trạng học sinh được người lớn chở bằng xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã trở lại tình trạng như trước đây khi chưa có Nghị định 171. Chiều chiều, tầm 16 giờ 30 phút đón đứa cháu trước cổng Trường tiểu học Lê Lợi, chúng tôi dễ dàng nhận ra điều đó. “Trước đây, tôi chấp hành tốt việc cho con đội mũ bảo hiểm khi chở bằng xe máy đến trường vì muốn bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con và lo sợ bị xử phạt. Tuy nhiên, thời gian gần đây không thấy có ai nhắc nhở hay xử phạt nên nhiều lúc chúng tôi cũng ngó lơ”- một chị bạn nói với tôi.

 Còn cách đây gần 3 năm (ngày 4/6/2014), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa- Thể thao), Công an tỉnh và các địa phương xử lý nghiêm các hình thức hát rong, quảng cáo rao vặt và quảng cáo có sự dụng loa phóng thanh trên địa bàn tỉnh. Nội dung chỉ đạo này được nhiều người dân đồng tình bởi nó hoàn toàn phù hợp với TP. Huế - trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước. Tuy vậy, cũng được một thời gian đầu thực hiện nghiêm, còn hiện nay, đi trên đường phố Huế, đôi lúc mọi người vẫn chịu cảnh đinh tai điếc óc vì âm thanh quảng cáo máy lạnh, máy giặt v.v và v.v… Tối hôm trước, tôi cùng mấy đứa bạn ngồi ở quán S ở phường Trường An (TP. Huế) cũng ngán ngẩm bởi cảnh hát rong. Ngồi chỉ chừng tiếng đồng hồ mà thanh niên này hát mấy bài vừa mới đi xong, thanh niên hát rong khác lại tới. Trời nóng, khách đông, không khí ồn ào lại thêm chiếc loa mở to với những bài bolero “sến sẩm” nữa thì ai mà chịu được…

Nghĩ cho cùng, rất khó để các lực lượng chức năng ngày nào cũng ra quân xử phạt các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị… Song trước một số quy định như nêu trên và còn không ít quy định khác thực hiện chưa tốt, theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột” hay “đánh trống, bỏ dùi” thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét lại.  Công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để người dân “thấm”, để ý thức chấp hành mọi lúc, mọi nơi. Nhưng rõ ràng, để người dân nhớ lâu thì lực lượng chức năng cũng cần phải ra quân thường xuyên hơn và xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh.

Thụy Anh