“Chạy trường” ở đây được hiểu là phải xin để được học một trường nào đó và ám chỉ hành động này là không tích cực. Trong giáo dục, có một khái niệm khác đó là học “trái tuyến”. Theo cách hiểu thông thường là quy định hư thế này nhưng anh lại muốn như thế kia.

Chuyện học trái tuyến là nhu cầu có thật. Vì vậy, chuyện “chạy trường” mà dư luận đồn đoán không phải không có cơ sở. Vì mấy lẽ sau:

Đầu tiên, nó xuất phát từ ngay trong mối quan hệ “bất cân xứng” giữa một bên cần và một bên có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Trong cuộc sống, có rất nhiều nhu cầu chứa đựng mối quan hệ này. Ví dụ như một loại dịch vụ hàng hóa nào đó. Có người cần và cũng có người đáp ứng. Việc học “trái tuyến” cũng vậy, nhưng nó khác ở chỗ, người có nhu cầu thường hoặc không (hoặc ít) có sự lựa chọn khác, nghĩa là không có lợi thế. Và vì vậy bên cung ứng sẽ có “lợi thế” hơn.

Ở một số lĩnh vực khác cũng đã từng có điều này. Như trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính. Bản thân mối quan hệ trong giải quyết thủ tục hành chính là mối quan hệ “ngang bằng”. Người dân có nhu cầu làm thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước có nhiệm vụ phải giải quyết cho dân theo đúng quy định (cũng có thể hiểu, bên đáp ứng nhu cầu cũng cần làm việc này với tư cách Nhà nước). Điều đáng nói là khi thừa hành, người ta cố tạo ra sự không “ngang bằng”, ví dụ như viện nhiều lý do để làm khó cho bên cần. Điều này không hề võ đoán. Những chuyện mà dư luận hay đề cập như “chạy việc”, “chạy bằng”, “chạy thẻ đỏ”… nếu xảy ra đều chứa đựng mối quan hệ không ngang bằng này.

Trở lại vấn đề học trái tuyến. Như những phân tích vừa nêu, chúng ta thấy có cơ sở để khi việc “chạy trường” là khả năng có thể xảy ra.

Tuy không khẳng định, nhưng có lẽ những nhà quản lý giáo dục cũng cảm thấy có vấn đề nên mới tìm biện pháp ngăn chặn. Mà ở đây là quy định hợp lý hóa việc này bằng cách thu tiền để đáp ứng nhu cầu học “trái tuyến” có thật của người dân, đồng thời tạo nguồn để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị theo định hướng xã hội giáo dục.

Đây cũng là một động thái, vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, vừa thu tiền một cách công khai minh bạch, tránh tiền chạy vào túi riêng của một số người. Nhưng đến đây lại có hai câu hỏi đặt ra:

Sau khi Thừa Thiên Huế Cuối tuần số 903 (ra ngày 11 đến 14/5/2017) có bài phỏng vấn về chủ trương thu tiền học sinh học trái tuyến ở TP. Huế, vấn đề được dư luận quan tâm. Mới đây, trên Báo Điện tử Dân việt, ông Phan Nam - Trưởng phòng GD & ĐT TP. Huế thông tin, tại cuộc họp với các phòng ban liên quan ngày 16/5, lãnh đạo UBND TP. Huế cho biết, việc thu tiền trái tuyến là không có cơ sở pháp lý, do đó chưa thực hiện trong năm nay. Còn khả năng có triển khai trong những năm tiếp theo thì chưa rõ.

\Thứ nhất, liệu khi đã có quy định mức thu tiền cụ thể thì khả năng “chạy trường” có còn diễn ra không? Câu trả lời là có thể có. Ví như năm nay trường A có khả năng đáp ứng 10 suất học sinh trái tuyến, hoặc cấp quản lý giáo dục chỉ cho phép chỉ tiêu như vậy. Giả sử như nhu cầu học trái tuyến hơn chỉ tiêu 10 suất thì sẽ giải quyết như thế nào? Nó sẽ dẫn đến một điều, những người có nhu cầu sẽ đi tìm kiếm “lợi thế”, trong đó không loại trừ việc “chạy chọt” .

Thứ hai, dễ làm cho người ta nghĩ ngành giáo dục nhân lúc người dân có nhu cầu này để “bắt chẹt” (vì không mở thêm lớp, không xây thêm phòng học, chỉ là điều phối chỗ thừa sang chỗ thiếu hoặc thêm học sinh vào mỗi lớp học). Hơn nữa, khi có quy định cho học sinh trái tuyến rồi thì nghiễm nhiên ai đáp ứng được những yêu cầu như quy định sẽ là hợp lý. Điều này vô hình chung đã thêm việc cho ngành giáo dục. Nếu muốn công bằng, ngành giáo dục sẽ phải ra một loạt quy định khác, như tiêu chí được xét là thế nào, tiêu chí phụ ra sao khi có nhiều trường hợp ngang bằng nhau; rồi thành lập hội đồng ra sao để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch…

Nhu cầu học trái tuyến không phải là nhu cầu phổ biến, không phải là một nhu cầu bức bách. Ngành giáo dục có đáng để đi giải quyết những nhu cầu (cụ thể) cho số ít như vậy không? Không thể nói vì nhu cầu chọn trường tốt cho con hay để tiện lợi trong công việc của một số phụ huynh mà ra quy định mới được. Anh bảo trường không tốt anh chuyển đi thì ai học?! Mà giả sử có trường chưa tốt thì ngành giáo dục tập trung làm cho tốt lên. Còn bảo nhu cầu tiện lợi trong công việc của phụ huynh thì càng khó thuyết phục, phải chia sẻ chứ không thể giành cái tiện lợi cho mình còn đẩy cái khó cho người khác.

Đắn đo nên hay không nên “hợp lý hóa” việc học trái tuyến là vậy. Muốn tránh việc “chạy trường”, muốn ngành giáo dục không mang tiếng thì phải tìm một giải pháp nào đó căn cơ hơn. Nếu chuyện học “trái tuyến” không phải là vấn đề lớn của giáo dục thì hãy để cho nó tự điều chỉnh. Chỉ cần quy định lớp học bao nhiêu học sinh, đúng chuẩn, không được quá là được, người viết bài này nghĩ vậy.

Nguyên Lê