Lúc sinh thời, nghệ nhân La Cháu (nghệ nhân tuồng và múa hát cung đình cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn) nhiều lần tâm sự: “Tội nghiệp thằng Lợi, hắn không theo nghiệp tổ, không dính dáng chi đến tuồng nhưng đã gần 60 năm gắn bó, gìn giữ, nhang khói để di tích Thanh Bình Thự tồn tại nguyên trạng như ngày hôm nay. Mà hắn có được Nhà nước trả lương tiền chi cho cam, họa hoằn lắm thì có đôi ba nghệ sỹ chuẩn bị tham gia hội diễn sân khấu ghé qua thắp hương bàn thờ tổ mong được phù hộ rồi cho hắn năm ba chục. Dặn, chú thắp hương giúp cháu với nhé.

Cụ Trần Ngọc Lợi thắp hương đều đặn trong Thanh Bình Thự gần 60 năm qua

Cụ Lợi tâm sự, ông Phạm Kỳ - Trưởng đoàn nhạc Thanh Bình trong ngành hát tuồng ở Huế có họ hàng với cụ nên năm 1954, ông Phạm Kỳ để lại cho cụ một ngôi nhà kề sát bên cạnh Thanh Bình Thự, và cũng kể từ đó, ngày ngày, ngoài công việc lao động kiếm tiền nuôi gia đình, cụ Lợi kiêm luôn công việc của một Thủ từ. Ban đầu, cụ nghĩ không có ai nên mình làm thay cũng được, nếu mình không làm thì cái “Thanh Bình” này sẽ sập mất thôi. Thời gian tưởng chỉ mới hôm qua. Ngoảnh lại thì công việc của cụ Lợi đã gần 60 năm. Nhưng 60 năm đâu chỉ có việc quét mạng nhện và lo hương khói. Cụ kể, những năm đầu thập niên 80, phong trào đập phá am, miếu vì cho rằng mê tín dị đoan đã khiến cụ hết sức khốn khổ. Cụ phải oằn mình can ngăn, oằn mình giải thích với từng toán người mặt đằng đằng sát khí mang theo búa rìu muốn vào đập phá và dỡ bỏ Thanh Bình Thự. – “May mà họ còn nghe tui giải thích, chứ không thì…”. Cụ Lợi bỏ lững câu nói đến bên bàn thờ tổ đốt ba nén hương, tay cụ run run.

Thanh Bình Thự

Không phải là nghệ sỹ, không hề dính dáng đến tuồng Huế, nhưng trong tâm trí của nhiều nghệ sỹ, diễn viên trong xóm Thanh Bình ở đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, cụ Trần Ngọc Lợi là nhân chứng sống cho những thăng trầm về nghiệp diễn trong cuộc đời của nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ trên mảnh đất Cố đô. Và đặc biệt, cụ được coi là cuốn tự điển sống có thể nói vanh vách về lịch sử của từng viên gạch, bức tượng, lư hương… trong Thanh Bình Thự - Từ đường của sân khấu truyền thống Huế, sân khấu Việt Nam với gần 200 năm tồn tại.

Theo lời của cụ, ông Tổ được thờ ở vị trí trang trọng nhất trong Thanh Bình Thự là Càn Cương Hầu, có giả thiết cho đó là cụ Đào Duy Từ (1572-1634) và một giả thiết khác cho rằng Càn Cương Hầu là một nghệ nhân người Trung Hoa rất được vua Minh Mạng trọng dụng, ông này là người mà các nghệ nhân ở Huế tôn làm vị thầy dạy các điệu hát Bắc hay còn gọi là điệu hát Khách... Cũng theo lời thuyết minh của cụ Lợi, ở đây có đến 15 hương án, mỗi hương án đều mang ý nghĩa thiêng liêng riêng; trong đó có hương án thờ 27 vị Thầy của các ngành nghệ thuật từ Tuồng, Chèo đến Cải lương... Đặc biệt, trong 27 vị Thầy thì có 5 vị là phụ nữ... Không chỉ thờ ông tổ và các vị thầy của các ngành nghệ thuật, Thanh Bình Thự còn có các bàn thờ Chư tiên, Thái thượng, Tề thiên Đại thánh, Thiên tiên, Địa tiên, thờ các nghệ nhân quá cố và đặc biệt là gian thờ 12 vị tổ của 12 ngành nghề phổ biến trong đời sống lao động và văn hóa của người Việt như nghề rèn, mộc, nề, may, thợ vàng… Và hằng năm, vào hai ngày rằm tháng ba và tháng bảy âm lịch, cụ Lợi vẫn lo đầy đủ bông ba, hoa quả để nhớ về các bậc tiền nhân của sân khấu Việt Nam và thay áo quần mới cho các bức tượng gỗ. – “Có lẽ nhờ cúng cấp đàng hoàng như rứa nên ngôi từ đường này vẫn còn khá nguyên vẹn như ri!!!”. Cụ Lợi khoe.

Hôm rồi, gặp đạo diễn Trương Tuấn Hải thì được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trả lương hàng tháng cho cụ Lợi, và năm 2013 này, cụ cũng sẽ là một trong số những người được trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Huế. Đạo diễn Trương Tuấn Hải cũng tâm sự, “Tôi là thế hệ thứ 4 trong một gia đình có bốn đời sống với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế, tôi biết cụ Lợi từ khi còn là một cậu bé chưa biết gì về nghiệp diễn, nhưng tôi biết tấm lòng của cụ Lợi dành cho nghiệp tổ với mong ước Thanh Bình Thự lại được như xưa, là nơi các nghệ sĩ trở về thắp ba nén nhang để nhớ về tiên tổ”.

Trọng Bình