Một máy tính nhiễm mã độc WannaCry. Ảnh: Wall Street Journal
Đứng trước “đại dịch” nghiêm trọng này, các quốc gia châu Á có những phản ứng nhanh chóng, nhận thức được các cuộc tấn công có thể gây thiệt hại lớn.
Biện pháp tức thì
Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng lan rộng, Hội đồng chỉ đạo cải cách quốc gia Thái Lan đề xuất xây dựng lập tức một ủy ban an ninh mạng. Ủy ban quốc gia này có quyền tiếp cận các mạng lưới được cho là có bảo mật yếu, nhằm thực hiện biện pháp phòng thủ.
Bên cạnh đó, ngay khi ảnh hưởng của các vụ tấn công WannaCry ở phương Tây được công bố ngày 13/5, các nhà chức trách ở Singapore và Malaysia cũng đưa ra tuyên bố, nhằm thông báo cho người dân biết cách đối phó; đồng thời khẳng định, họ sẽ có những biện pháp để ngăn chặn thiệt hại lan rộng.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn hướng dẫn các đơn vị, cơ quan phòng chống mã độc ngay khi nhận được thông tin. Ngoài ra, nhiều công ty lớn ở nước ta cũng gấp rút thực hiện kế hoạch phòng chống.
Ông Nick Savvides, chuyên gia phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản thuộc công ty an ninh mạng Symantec (Mỹ) cho hay, các quốc gia châu Á rất dễ bị tấn công, nhắm mục tiêu vào các ứng dụng điện thoại di động, do việc sử dụng điện thoại thông minh đang phát triển nhanh chóng.
Biến thể mới
Hệ thống giám sát virus của Bkav chiều 16/5 cho biết, hơn 1.900 máy tính tại Việt Nam đã nhiễm mã độc WannaCry. Trong số đó, khoảng 1.600 máy tính được ghi nhận tại 243 cơ quan, doanh nghiệp và khoảng 300 máy tính của người sử dụng cá nhân. Được biết, WannaCry khi xâm nhập vào thiết bị, máy tính sẽ mã hoá hàng loạt tập tin. Người dùng phải trả một khoản tiền đáng kể để lấy lại những dữ liệu này. |
Hãng thông tấn IB Times ngày 16/5 dẫn lời ông Mounir Hahad, nhà nghiên cứu của công ty công nghệ cao Cyphort nói rằng, WannaCry phiên bản 2.0 đang lây lan nhanh chóng, ảnh hưởng đến các máy tính ở Australia, Đan Mạch, Đức và Hàn Quốc.
WannaCry 2.0 “sử dụng một tên miền khác khó bị tiêu diệt hơn”, cho thấy nhóm tội phạm mạng đang không ngừng tạo ra những biến thể virus khó bị hủy hoại, IB Times nhận định.
Đáng chú ý, theo khảo sát của công ty phần mềm VMware (Mỹ), khoảng 81% người lao động ở các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang sử dụng máy tính cá nhân và thiết bị di động để làm việc.
Trong khi đó, ở Singapore, 1/2 số lao động được khảo sát không tuân theo hoặc không biết các quy tắc của công ty trong việc sử dụng thiết bị cá nhân.
Việc sử dụng công nghệ thông tin không cẩn thận làm tăng nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại. Ransomware trong các cuộc tấn công mạng hồi cuối tuần qua là một mối đe dọa đặc biệt, vì nó lây lan nhanh chóng "bên trong 1 môi trường, tự động lây lan sang các máy chủ khác trong cùng 1 mạng lưới và chiếm đoạt đồng thời nhiều máy tính", ông Savvides nhấn mạnh.
Như vậy, trong bối cảnh những cuộc tấn công mạng liên tục xảy ra trên quy mô toàn cầu hiện nay, các biện pháp an ninh mạng đang trở thành vấn đề khẩn cấp đối với cả khu vực tư nhân và khu vực công ở châu Á.
LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei, IB Times & CNBC)