* Ở Thailand:
Từ năm 1985, chính phủ Thailand thực thi chương trình National Artists Project để tôn vinh những Nghệ sĩ quốc gia (National Artists) và dành cho họ những ân thưởng xứng đáng bằng vật chất. Theo đó, những Nghệ sĩ quốc gia của Thailand sẽ được nhận lương hàng tháng; được chăm sóc y tế miễn phí suốt đời, được trợ cấp tài chính khi gặp tai nạn; được thăm viếng và tặng quà khi họ đau ốm hoặc trong những dịp đặc biệt; được nhà nước mua bảo hiểm tai nạn và thương tật khi họ gặp tai nạn trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi họ hành nghề hay đi du lịch và gia đình của họ sẽ được nhận tiền tử tuất sau khi các Nghệ sĩ quốc gia này qua đời. Ngược lại, họ có trách nhiệm bảo tồn và truyền dạy những kiến thức, kỹ năng, bí quyết mà họ đang nắm giữa cho các thế hệ kế cận thông qua các hình thức: trực tiếp giảng dạy, huấn luyện, viết sách, thuyết trình, trình diễn…
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - người "giữ lửa" cho cải lương
Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân dân gian ở Việt Nam
* Chính sách tôn vinh và đãi ngộ của nhà nước:
Ở Việt Nam, chính sách tôn vinh và đãi ngộ những nghệ nhân có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Di sản Văn hóa (do Quốc hội khóa X thông qua ngày 29.6.2001, có hiệu lực từ ngày 01.01.2002). Chương 3, điều 26 của Luật Di sản Văn hóa quy định: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”. Tiếp đến, tại Chương 12, điều 12 của Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11.11.2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa về việc tôn vinh và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công lao bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ghi rõ: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ thông qua các biện pháp sau đây: 1. Tặng thưởng, truy tặng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công bảo tồn, phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp thuộc di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu theo quy định của pháp luật; 2. Tạo điều kiện và hỗ trợ một phần chi phí cho các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công bảo tồn, phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp thuộc di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; 3. Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và một số ưu đãi khác đối với nghệ nhân, nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật”.
*Thực trạng triển khai chính sách tôn vinh và đãi ngộ ở Việt Nam
Mặc dù nhà nước đã ban hành chính sách khá rõ ràng và chi tiết nhằm tôn vinh và đãi ngộ những nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhưng thực tế lại không như mong đợi. Từ khi Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực, đến nay đã được 7 năm, nhưng các cơ quan chức năng của nhà nước vẫn chưa triển khai áp dụng các điều khoản nêu trên nhằm tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ.
Trước tình hình đó, Hội VNDG Việt Nam, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đã vận dụng các hướng dẫn của UNESCO trong việc thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống để xây dựng Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNDG Việt Nam. Sau khi quy chế này được BCH Hội VNDG Việt Nam thông qua vào ngày 10.6.2002, Hội VNDG Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiến cử, lựa chọn và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho những nghệ nhân có công lao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Từ đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đầu tiên vào tháng 6.2003 đến đợt phong tặng mới nhất vào tháng 12.2008, Hội VNDG Việt Nam đã phong tặng danh hiệu này cho 118 nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong 3 lĩnh vực chính: Diễn xướng dân gian và thư pháp; Nghề thủ công truyền thống; Các thú chơi dân gian và ẩm thực. Hiện nay, Hội VNDG Việt Nam vẫn tiếp tục công việc bình chọn và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian hàng năm thông qua sự giới thiệu tiến cử từ các Chi hội VNDG ở các địa phương.
Về đãi ngộ, do kinh phí hạn hẹp và do những quy định của Bộ Tài chính, nên phần thưởng vật chất trao tặng cho các Nghệ nhân dân gian chỉ mang ý nghĩa động viên. Mỗi Nghệ nhân dân gian được Hội VNDG Việt Nam cấp một Bằng công nhận kèm theo 500.000đ và được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp VNDG cùng 100.000đ tiền thưởng. Nhà nước không hỗ trợ thêm khoản ưu đãi vật chất nào. Tuy nhiên, có một số địa phương đã vận dụng những cơ chế riêng để tưởng thưởng và tôn vinh tài năng và công lao của các Nghệ nhân dân gian. Chẳng hạn, từ khi thực hiện chương trình phục hồi Nhã nhạc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mời các Nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực Nhã nhạc như Lữ Hữu Thi, Trần Kích… đến cộng tác với Trung tâm này để giảng dạy và truyền thụ kinh nghiệm cho các nhạc công trẻ do Trung tâm này tuyển dụng và đào tạo. Mỗi nghệ nhân được trả lương với mức 1.500.000đ/tháng (chưa kể các khoản tiền thưởng trong các dịp lễ, Tết). Đây là mức lương xứng đáng, vừa đủ đối với mức sống bình thường ở Huế. Nhờ thế, các nghệ nhân này không phải lo tìm kế sinh nhai nên yên tâm truyền nghề cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, phần lớn số tiền được dành để trả lương cho các Nghệ nhân dân gian đang giúp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đào tạo các nhạc công trẻ đều được trích từ các khoản viện trợ của UNESCO và các tổ chức phi chính phủ khác trong chương trình phục hồi di sản Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn. Chúng tôi hy vọng đến khi các chương trình viện trợ này chấm dứt, thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục sử dụng kinh phí từ các nguồn khác để trả lương cho các Nghệ nhân dân gian này.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương, việc tiến cử các nghệ nhân bậc thầy trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ dân gian để Hội VNDG Việt Nam xem xét công nhận Nghệ nhân dân gian rất chậm chạp và tắc trách.
Ví dụ: ở tỉnh Bắc Ninh, vào năm 2005, khi tiến hành xây dựng Hồ sơ Quan họ để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, Sở VHTT Bắc Ninh đã điều tra điền dã và thống kê một danh mục gồm hơn 60 nghệ nhân để đưa vào hồ sơ, đồng thời hứa hẹn sẽ lựa chọn trong danh mục này những nghệ nhân tài năng và có nhiều cống hiến để tiến cử Hội VNDG Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho họ. Nhưng đến cuối năm 2008, việc phong tặng này vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Theo ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Sở VH - TT - DL Bắc Ninh hiện nay thì: “Việc phong tặng này bị đã bị tắc lại vô thời hạn vì hai lý do: thứ nhất, nếu phong tặng cho nghệ nhân quan họ thì phải tính đến cả các nghề thủ công dân gian khác như đúc đồng, đan lát, thêu thùa, v.v… vì tất cả đều nằm trong Liên hiệp hợp tác xã tỉnh; thứ hai, việc phong tặng Báu vật nhân văn sống phải thông qua sự xét duyệt của Hội đồng nhân dân”. Ông Trần Đình Luyện cũng cho biết thêm: “Hiện giờ chưa có khoản trợ cấp nào cho các nghệ nhân dân gian, như cụ Khướu (nghệ nhân hát quan họ) được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú cũng không nhận được khoản trợ cấp nào”.Phần lớn nghệ nhân trong lĩnh vực văn nghệ dân gian là những người cao tuổi, có vị đã ngót nghét trăm tuổi (như cụ Lữ Hữu Thi), nhiều người sống trong cảnh túng bấn, khó khăn, lại bị bệnh tật, không biết họ có đủ sức chờ đến ngày được tôn vinh và nhận được những khoảng đãi ngộ của nhà nước hay không? Rất nhiều vị đã qua đời trước khi nhận được những tôn vinh và đãi ngộ đáng lẽ họ phải được hưởng, cho dù họ đã được thừa nhận là Báu vật nhân văn sống.
Trong bài viết Nghệ nhân dân gian: Cần lắm sự quan tâm đăng trên Văn nghệ quân đội online, tác giả Hoài Thu phản ánh: “Đi sâu tìm hiểu cuộc sống và tâm tư của các Nghệ nhân dân gian vừa được công nhận, mới thấy, họ cần được quan tâm nhiều hơn trong cuộc sống và vốn liếng văn hóa dân gian mà họ đang lưu giữ cần được khai thác hiệu quả hơn. Bốn 4 nghệ nhân ở lĩnh vực bài chòi đều là thành viên của Câu lạc bộ Bài chòi cổ Dân gian Bình Định, nhưng đó là trên danh nghĩa, mỗi khi cần tập hợp lại để hoạt động theo kiểu “tự xoay xở” là chính. Một số nghệ nhân bài chòi như Minh Liễu, Minh Đức… vẫn thường xuyên đi diễn… tuồng để kiếm sống. Nghệ nhân Ngọc Tùng từng là đoàn trưởng Câu lạc bộ Bài chòi cổ Dân gian, có nhiều đóng góp cho phong trào, nhưng từ khi bị tai nạn cách đây hai năm, sức khỏe và trí nhớ bị ảnh hưởng, không đi diễn được, nên hiện chỉ sống nhờ vào sức lao động của vợ. Nghệ nhân Minh Đức lại có gia cảnh nghèo “thâm niên”. Chồng mất sớm, một mình bà phải nuôi 6 người con và một mẹ chồng. Để theo đuổi nghề hát, bà phải làm thêm đủ nghề từ làm ruộng đến bán chổi lông gà, vé số… Nghệ nhân Minh Đức tâm sự: “Căn nhà tôi từ lúc vay mượn sửa lại đến nay đã 10 năm rồi vẫn không tô tường được, hiện đang rất xập xệ, sợ không trụ nổi trong mùa mưa bão. Tôi rất muốn lợp lại mái nhưng lại không có tiền”. Trong khi đó, theo tác giả bài viết Tôn vinh nghệ nhân - “Đến hẹn chẳng lên” đăng trên báo điện tử VietNamNet thì “Theo một bộ phim được chiếu gần đây trên truyền hình Hà Nội về cuộc sống của các geisha ở Nhật Bản cho thấy, các geisha khi về già được chính phủ bao cấp mọi thứ về nhu cầu vật chất. Họ chỉ việc chuyên tâm lo việc truyền nghề cho những maiko trẻ”.
Từ thực tế trên có thể nhận thấy rằng: tuy Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách nhằm tôn vinh và đãi ngộ những Nghệ nhân dân gian, nhưng những chủ trương, chính sách ấy dường như chỉ dừng lại ở trên giấy tờ, chưa thực sự đi vào cuộc sống để phát huy hiệu quả đích thực. Việc tôn vinh và đãi ngộ Nghệ nhân dân gian, lẽ ra phải do những cơ quan cao nhất của nhà nước hoặc chính phủ tổ chức thực hiện, thì lại được “khoán trắng” cho Hội VNDG Việt Nam và các Sở VH - TT - DL ở các địa phương đảm trách. Nguồn kinh phí dành cho việc đãi ngộ và trợ cấp cho các nghệ nhân gặp hoàn cảnh khó khăn chưa được xác định chưa có và cũng chưa xác định rõ: ai cấp? cấp bao nhiêu? cấp như thế nào? Vì thế, các Báu vật nhân văn sống của Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi. Không ai dám chắc có bao nhiêu người trong số họ sẽ không có đủ thời gian để chờ đợi khi họ đã tuổi cao sức yếu?
Kiến nghị
Tham khảo chính sách tôn vinh và đãi ngộ Báu vật nhân văn sống của một số nước châu Á và Hướng dẫn thiết lập Hệ thống “Báu vật nhân văn sống” cấp quốc gia (Guidelines for the Esbtablishment of National “Living Human Treasures” Systems) của UNESCO, tôi cho rằng: Việt Nam nên tuân thủ những hướng dẫn của UNESCO trong việc xây dựng tiêu chí bình chọn và công nhận Báu vật nhân văn sống cấp quốc gia[1] và nên học tập kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… trong việc tôn vinh và đãi ngộ các Báu vật nhân văn sống. Cụ thể:
- Thay vì phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian như hiện nay, nên thiết lập một danh hiệu mới mang tầm quốc gia để phong tặng cho những người đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể. Danh hiệu ấy nên là Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures) như hướng dẫn của UNESCO.
- Việc phong tặng danh hiệu Báu vật nhân văn sống nên do một cơ quan nhà nước thực hiện, không nên “khoán trắng” cho một tổ chức xã hội - nghề nghiệp như Hội VHDG Việt Nam đảm trách. Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ là người ký văn bằng phong tặng danh hiệu Báu vật nhân văn sống như trong trường hợp phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú, chứ không phải là Tổng thư ký Hội VNDG Việt Nam ký như hiện hành.
- Nhà nước nên chỉ đạo Bộ VH - TT - DL phối hợp với Hội VNDG Việt Nam và một số cơ quan, ban ngành chức năng, lựa chọn các thành viên có uy tín, có trình độ nghề nghiệp cao và có học vấn uyên bác trong lĩnh vực này để thành lập một Hội đồng cố vấn giúp cho việc tiến cử, bình chọn và phong tặng danh hiệu Báu vật nhân văn sống. Quy trình tiến cử, bình xét và phong tặng này phải tuân theo hướng dẫn của UNESCO.
- Nhà nước nên dành một khoản ngân sách và giao cho một cơ quan trung ương quản lý để tiến hành trợ cấp thường xuyên và khen thưởng định kỳ cho các Báu vật nhân văn sống. Khoản trợ cấp này phải đảm bảo đủ để các Báu vật nhân văn sống có thể sinh sống để họ yên tâm thực hành, trình diễn các kỹ năng và truyền dạy tri thức, kỹ năng đó cho các truyền nhân kế nghiệp.
- Việc thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống ở Việt Nam là một việc làm phức tạp và lâu dài. Mục tiêu cuối cùng của việc làm này là bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể truyền thống thông qua bảo tồn các kỹ năng, kiến thức của các nghệ nhân. Vì thế, cần chú ý đến việc phát huy vai trò của nghệ nhân sau khi được công nhận; tránh trường hợp nghệ nhân được trao bằng, khen ngợi, tặng thưởng xong rồi tự chìm vào quên lãng. Muốn vậy, nhà nước phải hỗ trợ để các Báu vật nhân văn sống tiếp tục sáng tạo, thực hành, truyền dạy những tri thức và kỹ năng mà họ đang sở hữu. Sau khi được công nhận, các Báu vật nhân văn sống cần được tạo điều kiện để thực hành, trình diễn, triển lãm những kết quả và sản phẩm của họ một cách thường xuyên nhằm phát triển kỹ năng của họ và nâng cao vị thế của ngành nghề trong xã hội. Có như vậy thì các Báu vật nhân văn sống mới tận tâm cống hiến trí tuệ và kỹ năng của họ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Tôi muốn mượn lời tác giả bài báo Gặp những Báu vật nhân văn sống đăng trên website của Đài Tiếng nói Việt Nam để làm lời kết cho bài viết này: “Ở mỗi vùng của đất nước ta, đâu đâu cũng có những nghệ nhân tận tâm, tận lực với văn hóa - nghệ thuật dân tộc. Họ lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca, sử thi, nghệ thuật đánh cồng chiêng, những bí quyết trong nghề nghiệp. Họ xứng đáng được vinh danh là những Báu vật nhân văn sống. Mong sao, các vị nghệ nhân sẽ được hưởng những chế độ đãi ngộ xứng đáng để tiếp tục lưu giữ, truyền bá và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc ta cho muôn đời con cháu mai sau”.
Trân Huyền