Linh thiêng đất trời hội tụ

Một sớm giữa tháng 5, trời Huế trong xanh. Những người đi lấy đất nằm trong ban tổ chức chương trình ngược lên đàn Nam Giao. Cảm giác thiêng liêng, xúc động thể hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người, từ đoàn viên trẻ của Tỉnh đoàn hay người cán bộ thâm niên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khi vừa đặt chân đến nơi.

Nâng niu từng nắm đất gửi ra Trường Sa

Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, một người thuộc dòng dõi Nguyễn phước tộc được chọn thay mặt đoàn thực hiện các nghi lễ trước giờ lấy đất. Trong bộ trang phục áo dài, khăn đóng trang nghiêm ông thắp hương cùng cả đoàn khấn vái với đất trời xin phép lấy đất gửi Trường Sa.

Khi nén hương vừa tàn, cũng là lúc đoàn chọn một điểm đất ngay trong khuôn viên đàn, thận trọng hạ chiếc hộp để đựng đất gắn dòng chữ “Đất thiêng gửi Trường Sa - từ Cố đô Huế” rồi dùng xẻng xới đất đưa vào hộp. Tiếp đó, đoàn lại ngược hành trình đến với Hoàng thành, trung tâm chính trị của triều Nguyễn; đàn Xã Tắc, biểu trưng của đất đai cả nước, nơi tổ chức lễ tế cầu mong mùa màng tươi tốt, Nhân dân no ấm; Văn Miếu – Võ Miếu, nơi vinh danh hiền tài dân tộc, các võ tướng và tiến sĩ dưới thời Nguyễn. “Mong rằng, những nắm đất này sẽ giúp Trường Sa trở nên gần hơn với đất liền, cây xanh tươi tốt che bóng mát cho anh em chiến sĩ”, ông Vĩnh Cao xúc động.

Khẳng định chủ quyền non sông

Ngay tại buổi lễ tiếp nhận hộp đựng đất thiêng của Huế diễn ra tại Phu Văn Lâu với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ, đại diện Tỉnh đoàn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và an tổ chức, nhiều người đã rất xúc động. “Chúng em chưa từng ra Trường Sa nhưng biết, hiểu về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Sinh ra lớn lên ở Huế, giờ đây chứng kiến giây phút gửi nắm đất ở nơi mình sinh sống ra Trường Sa xúc động vô cùng. Mỗi nắm đất là một lời gửi gắm đến các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời rằng, đất liền luôn hướng về mọi người, mong các chiến sĩ ngoài đảo xa vững tâm, chắc tay súng gìn giữ biển đảo”, bạn trẻ Nguyễn Thùy Linh (21 tuổi, TP. Huế) nói.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhắc lại câu chuyện chủ quyền biển đảo Việt Nam cho nhiều bạn trẻ tại buổi trao đất thiêng cho ban tổ chức

Đứng trước Kỳ đài, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhắc nhớ lại chuyện gìn giữ cương vực lãnh hải từ thời Nguyễn. Ông Hải Trung cho biết, triều Nguyễn đã có một hệ thống chính sách khá nhất quán về biển đảo như xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển; xây dựng lực lượng thủy quân; ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển; xác lập và thực thi chủ quyền trên các đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số Châu bản lưu giữ được hiện có hơn 20 văn bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các hoàng đế triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Trong suốt nhiều thế kỷ qua từ thời các chúa Nguyễn đến các vua Nguyễn sau này, các đội hùng binh của vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã hầu như liên tục ra khơi xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo này. Đội Hoàng Sa ra đời từ thế kỷ 17 dưới thời các chúa Nguyễn.

Nhìn chung, triều Nguyễn đã ban hành và thực thi một hệ thống chính sách khá toàn diện cả về quân sự, quốc phòng, lẫn ngoại giao, kinh tế… nhằm xác lập, bảo vệ và khai thác vùng lãnh thổ này. Đặc biệt, việc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua hoạt động điều hành xã hội, thể hiện trên Châu bản, triều Nguyễn đã tỏ rõ một quan điểm và chính sách nhất quán trong việc quản lý cương vực lãnh hải. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc ban hành và thực thi các chính sách về biển đảo của Nhà nước Việt Nam hiện nay. Và hoạt động này mang ý nghĩa như là một sự khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo, mong muốn về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bảo vệ biên cương tổ quốc. “Đất thiêng từ Cô đô Huế ra Trường Sa như là minh chứng khẳng định chủ quyền non sông, tiếp thêm tiềm lực tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam”, ông Hải Trung nhấn mạnh trước khi gửi trao hộp đất cho đại diện ban tổ chức.

Đất thiêng Cố đô Huế gửi tặng Trường Sa nằm trong chương trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Hai đơn vị đảm nhận các hoạt động lấy đất là Tỉnh đoàn và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Ngoài Cố đô Huế, chương trình còn tiếp nhận những hòn đất thiêng được lấy từ Lũng Cú, đồi A1 Điện Biên Phủ, đất Tổ Đền Hùng, lăng Bác, dãy Trường Sơn, đất thép thành đồng Củ Chi và đất Mũi. Trong tháng 5 này, đoàn công tác Quân chủng hải quân sẽ đưa đất thiêng từ mọi miền ra và trộn lẫn với đất Trường Sa để vun trồng, ươm những mầm xanh cho Trường Sa. Điều này thể hiện ý chí, sức mạnh trường tồn, thể hiện sự nối liền không thể chia cắt của non sông Việt Nam.

PHAN THÀNH