Đàn vịt của một hộ dân ở xã Phú Thanh
Ổn định
Tại nhiều địa phương, các gia trại chăn nuôi vịt đang đến thời kỳ chờ ngày xuất bán. Ông Phan Văn Thanh ở xã Phú Thanh (Phú Vang) đang nuôi hơn 2.000 con vịt tại một hồ nước dưới chân cầu Thảo Long cho biết, phần lớn số vịt trên được thả nuôi đầu năm, chuẩn bị bán trong dịp Tết Đoan ngọ. Vịt giống được mua ở phía bắc, có giấy chứng nhận kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi được phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Nhất là sau khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở Phú Lộc, việc tiêu độc khử trùng được tăng cường, mỗi tuần một lần, thậm chí dày hơn. Cấp trên cấp vắc xin và hướng dẫn gia đình tiêm đầy đủ cho đàn vịt với khoảng 2.000 liều.
Dưới chân cầu Thanh Hà, xã Quảng Thành (Quảng Điền) có nhiều đàn vịt sắp đến kỳ thu hoạch. Đây cũng là lứa nuôi để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Đoan ngọ năm nay. Bà Hoàng Thị Hằng ở xã Quảng Thành có đàn vịt cả ngàn con, tỏ ra vui mừng khi sắp xuất bán. “Từ ngày nghe dịch xảy ra ở Phú Lộc, tui rất lo. Đàn vịt được theo dõi thường xuyên, đêm nào vợ chồng tôi cũng mang đèn ra soi nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. May mà yên ổn, chỉ vài ngày nữa là xuất bán, ước thu khoảng 60-70 triệu đồng”, bà Hằng chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CNTY tỉnh khuyến cáo, với tình hình ổn định như hiện nay, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm tiêu thụ gia cầm. Tuy nhiên, không nên chủ quan, phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo quy định. Người dân phải kịp thời khai báo khi phát hiện gia cầm có dầu hiệu bất thường, dịch bệnh. Người bán và người tiêu dùng cần lựa chọn những con gia cầm khỏe mạnh để tiêu thụ trong dịp Tết Đoan ngọ. |
Bà Hằng cho rằng, nuôi số lượng lớn phải đề cao cảnh giác, không nên chủ quan với dịch bệnh. Chi cần sơ suất nhỏ cũng sẽ gây thiệt hại lớn, nhất là thủy cầm sắp đến thời kỳ thu hoạch. Giai đoạn này đã đầu tư lớn chi phí thức ăn, thuốc men, công chăm sóc, với ngàn con vịt nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Vậy nên, quá trình nuôi, gia đình bà Hằng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của ngành thú y, tiêm vắc xin và tiêu độc khử trùng theo định kỳ.
100% gia cầm được tiêm vắc xin
Chăn nuôi thủy cầm được xác định là một trong những hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ở nhiều địa phương. Tận dụng mặt nước trên các sông, đầm phá, người dân chắn lưới để nuôi thủy cầm. Những vùng người dân chọn nuôi phần lớn đều có nguồn nước điều hòa, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y (CNTY) tỉnh, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh chăn nuôi trên 2 triệu con gia cầm, thủy cầm. Riêng vụ nuôi đầu năm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Đoan ngọ ước khoảng 500.000 con thủy cầm. Ngoài nguồn tại địa phương, trên địa bàn tỉnh phải nhập thêm một lượng thủy cầm khá lớn ở một số tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Về vấn đề an toàn thực phẩm gia cầm, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục CNTY tỉnh Trần Quốc Sửu thông tin, tính đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi thủy cầm nói riêng, gia cầm nói chung trên địa bàn tỉnh ổn định. Dịch bệnh tại một số địa phương ở Phú Lộc, Phú Vang đã được khống chế.
Ngành CNTY thường xuyên triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tại các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn đều có lực lượng cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên kiểm ra, giám sát, tổ chức tiêu độc khử trùng, rải vôi, tiêm vắc xin. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin, tương ứng với hơn 1 triệu con gia cầm, đạt 100% diện tiêm và kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Hoàng Thế