Cơ quan chức năng tiếp cận các tiểu thương bị giật hụi tại cơ sở
Được vạ má sưng
Vụ vỡ hụi hàng tỷ đồng mới đây đã làm rúng động cả chợ Trường An (TP. Huế), hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ trắng tay. Theo đó, một người buôn bán trong chợ đã tự đứng ra làm chủ hụi và đi thu tiền của các “con hụi”. Những người đóng hụi sau khi nộp tiền được hứa sẽ nhận lãi suất cao hàng tháng. Nhiều người đã đem toàn bộ tài sản tích góp để chơi hụi. Thế nhưng, khi không còn khả năng thanh toán, chủ hụi này đã “bặt vô âm tín”. Hiện vụ việc đang được Công an TP. Huế thụ lý, giải quyết.
Trung tá Lê Hữu Sỹ, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an TP. Huế cho biết, Điều 479 Bộ Luật Dân sự (BLDS) có quy định về hụi. Văn bản dưới luật có Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 hướng dẫn các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này... Còn văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có. Đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 BLHS, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường rất yếu. “Một phần do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Chưa kể, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự”- Trung tá Lê Hữu Sỹ nói.
Bút tích của một chủ hụi thể hiện việc thu - nhận tiền
Cũng theo Trung tá Lê Hữu Sỹ, đối với việc xác định hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản mới có thể khởi tố theo Điều 139 BLHS. Trong thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối. Nếu nạn nhân khởi kiện dân sự, quá trình xử lý cũng nhiều khó khăn, nhất là vấn đề lãi suất. Bởi khác với cho vay trong hợp đồng vay tài sản (do người vay áp đặt lãi suất), lãi suất trong hụi do người đi vay tự nguyện đặt ra. Từ đó, một số người lợi dụng bỏ lãi cao để hốt hụi, sau đó không thực hiện nghĩa vụ đóng hụi chết và nếu những người bị vi phạm đi kiện thì chính người bỏ lãi lại có lợi, bởi lúc đó tòa án giải quyết theo mức lãi quy định ở Điều 476 này.
Rủi ro cao
Theo Nghị định 144 của Chính phủ, hụi (hay còn gọi là họ, biêu, huê, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức chơi hụi nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, “với nhiều nạn nhân, số tiền bị giật hụi có khi là cả gia tài hoặc vay mượn của nhiều người khác, việc bị chiếm đoạt tiền đã gây cho họ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đứng trước việc này, nạn nhân cần tập trung các chứng cứ chứng minh được họ có tham gia dây hụi với người chủ hụi và các thành viên khác, ít nhất là các chứng cứ bằng giấy tờ thể hiện giao dịch, xác định cụ thể số tiền đã đóng...”- một điều tra viên cho biết.
Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các chợ ở khu vực nông thôn cũng xảy ra 1-2 vụ vỡ hụi. Vụ nhỏ thì vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, cá biệt có vụ lên đến hàng chục tỷ đồng. |
Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, Đoàn Luật sư tỉnh chia sẻ: Có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm. Dây hụi thực chất là một vòng tròn mắt xích, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Trong đó, vai trò của chủ hụi là mắt xích quan trọng nhất. Bản thân chủ hụi là người nắm tài sản của người chơi hụi. Bên cạnh đó, việc các thành viên chơi hụi không thực hiện việc đóng hụi sau khi đã lĩnh hụi trước kỳ kết thúc cũng đặt ra sự khó khăn cho chủ hụi, thậm chí dẫn đến chủ hụi mất khả năng thanh toán cho các thành viên khác. Điều nguy hiểm trong chơi hụi là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức nhưng người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi. Việc chủ hụi không tuân thủ lập sổ sách đầy đủ để công khai với các thành viên, dẫn đến không loại trừ trường hợp chủ hụi làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi.
“Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo bởi sự cả tin và chủ quan của chính mình. Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp thì không hề đơn giản bởi chứng cứ của việc giao nhận tiền, thể lệ việc chơi hụi không được các bên thực hiện nghiêm túc. Điều này gây bất lợi cho người chơi hụi và gây khó khăn cho người tiến hành tố tụng khi xử lý vụ việc. Vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc từ việc chơi hụi, cả chủ hụi lẫn thành viên phải có sổ sách giao nhận tiền, hợp đồng giao dịch về hụi đầy đủ và trên hết các bên phải thực sự thiện chí. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”- Luật sư Võ Công Hạnh phân tích.
Cần hiểu biết khi chơi hụi Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước hết, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ qui định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi. Đồng thời lưu ý, chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu? Nguồn thu nhập như thế nào? Phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi. Ngoài ra, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động hụi qua thủ tục đăng ký và nộp phí đối với loại giao dịch hụi có lãi. Phải có chế tài khi vi phạm các hoạt động của hụi để răn đe và phòng ngừa chung, đồng thời xử lý rất cụ thể các trường hợp vi phạm, tránh sự lách luật gây thiệt hại cho cộng đồng. Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. THÁI BÌNH (ghi) |
Bài, ảnh: THÁI SƠN