Cơm gạo mới ăn với cá nục kho cũng dễ "lủng nồi"

Đã mấy lần viết về mùa màng quê nhà nhưng thiệt tình là  tôi vẫn nói không hết được cái cảm giác như tan chảy trong lòng của một đứa của con ruộng đồng đi xa, gặp lại màu và mùi của bùn, của lúa, của rơm, của khói đồng, của những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi… Và khi nghe ông anh nhắc mới nhớ mùi và vị của bữa cơm gạo mới ở quê nữa.

Hồi trước, khi quê tôi còn sản xuất các giống lúa cổ truyền; bữa cơm gạo mới của nhà tôi là gạo de. Cái giống lúa de có gạo hạt nhỏ, trắng trong và nấu thành cơm thì dẻo, mềm và thơm dìu dịu. Cơm gạo mới ăn với thức ăn chi thì ngon? Cũng không nhớ nữa. Là cá lóc đồng kho tộ, cá nục biển kho với ớt tươi, là ruốc kho quẹt, là muối mè, là canh hến với bầu hay thịt vịt kho sả...? Mà hình như đã là cơm gạo mới thì ăn với bất cứ món chi cũng ngon cả; bởi vì hạt gạo mới còn vấn vương mùi của đất đai, của phù sa sông quê, nồi cơm thơm vừa chín tới hương thơm tỏa khắp nhà. Mâm cơm gạo mới còn là mâm cơm vui vầy trong cái khung cảnh mùa màng no đủ khi hột lúa đang ươm vàng từ nhà ra sân… Cho dù ngày mùa thì bao nhiều công việc nặng nhọc, vất vả lại đổ xuống vai người nông dân. “Làm ruộng ăn cơm nằm- nuôi tằm ăn cơm đứng” hay “no ba ngày tết, lết mấy ngày mùa”.

Nhớ bữa cơm gạo mới là nhớ những giống lúa địa phương cổ truyền mà từ ấu thơ tôi đã từng được thấy, được ăn. Những giống lúa de, ngang cổ, nước mặn, chiên, bác don, nếp trứng, nếp ba trăng bây giờ đã bị mất giống thật đáng tiếc! Huế có câu: "Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi - Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già" viết về giống lúa de ở cánh đồng An Cựu nổi tiếng thơm ngon tương truyền là để tiến vua. Ở quê tôi giống lúa de cũng được trồng rất nhiều. Như đã nói, lúa de hạt vàng tươi, gạo trắng tinh và cơm có mùi thơm dìu dịu. Một giống lúa cổ truyền khác là giống lúa ngang cổ, có lẽ được đặt tên theo chiều cao của cây lúa, khi đến kỳ thu hoạch thì cao đến ngang cổ người. Đây là giống lúa được trồng ở những chân ruộng sâu thường gọi là ruộng Ô mà cứ sau khi gặt xong lúa, nông dân lại be bờ tát cá. Cá đồng hồi đó nhiều, trê, tràu, diếc, thác lác... con mô con nấy béo ụ. Cứ mỗi ô ruộng tát xong, ít nhất cũng là một bao cá mang về theo những bó lúa…

Tôi cũng rất thích những giống lúa cho ra gạo màu đỏ, đó là các giống: Nước mặn, chiên, bác don... Trong 3 giống lúa gạo đỏ cổ truyền này thì gạo nước mặn ăn ngon nhất, nó có vị béo và bùi. Rồi các giống nếp trứng, nếp ba trăng vừa dẻo, vừa thơm; nông dân làng tôi chỉ cấy mỗi nhà một hai sào để nấu xôi trong những dịp giỗ chạp và nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Là ông anh đang sống xa quê cả trăm, ngàn cây số thèm một bữa cơm gạo mới; chứ như tôi, quê nhà chỉ cách một giờ đi xe máy thôi, cũng không còn cách sông trở đò chi nữa mà cứ ngoảnh lại là thấy mùa qua, năm qua và cả người qua nữa…

Bài: PHI TÂN - Ảnh: VÕ NHÂN