Festival Huế 2012 đã thu hút khách du lịch đến Huế. Ảnh: Đặng Văn Trân |
Chưa ngang tầm những vấn đề đặt ra
Tất nhiên để du lịch Huế phát triển mạnh mẽ, trở thành trục xoay nền kinh tế đòi hỏi Huế phải có nỗ lực vượt bậc, phấn đấu quyết liệt trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta thử hình dung mỗi năm Huế đón khoảng 10 triệu khách du lịch thì bộ mặt kinh tế xã hội sẽ thay đổi như thế nào? Đời sống của nhân dân sẽ thay đổi ra sao? Đây có phải là vấn đề quá khó đối với Huế. Nhưng đây cũng là vấn đề không thể chỉ là nỗ lực riêng của Huế mà được. Để tạo bước đột phá của Huế trong phát triển du lịch dịch vụ, có lẽ vấn đề đầu tiên là phải phá thế cô lập của Huế. Đã xác định Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước, phát triển của Huế sẽ tạo thế chân vạc giữa ba trung tâm Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh; điều này đòi hỏi Trung ương, các bộ ngành liên quan nhìn Huế với thái độ trách nhiệm và tích cực hơn. Người Huế ai cũng phấn khởi khi sân bay Phú Bài được nâng cấp thành cảng Hàng không quốc tế. Nhưng từ khi nâng cấp thành sân bay quốc tế đến nay có được chuyến bay quốc tế nào đến Huế? Ngay đường bay nội địa của Phú Bài cũng rất nghèo nàn trong lúc các chuyến bay đến Huế lúc nào cũng đông khách. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế thiếu những tuyến bay nội địa đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ... đây rõ ràng là một sự lãng phí lớn vừa kìm hãm sự phát triển của Huế. Huế là một cực của tuyến hành lang Đông Tây, nhưng để phát huy lực này cần có những tuyến đường cao tốc qua Huế, trước mắt là các tuyến Huế - Đà Nẵng; Huế - Quảng Trị... Thế nhưng tất cả mới chỉ dừng ở các bàn hội nghị, trên các văn bản... là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước, nên chăng Trung ương nên xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Huế.
Về nỗ lực nội tại của Huế. Thành phố phải dồn sức để Huế ngày càng lung linh hơn, quyến rũ hơn. Nhưng để đạt được những yêu cầu này đòi hỏi Huế phải có cái nhìn mới mẻ hơn về công tác trùng tu tôn tạo di tích, về chỉnh trang đô thị, về xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phải trả lời cho được câu hỏi vì sao thời gian qua Huế nỗ lực rất lớn nhưng thành phố cứ nham nhở? Những di tích, danh thắng trùng tu, chỉnh trang xong cần phát huy tác dụng để đến với công chúng, với du khách, đó là chúng ta tạo phần hồn cho Huế. Nếu không, chúng ta chỉ xóa sự hoang phế ở lĩnh vực này, lại tạo ra sự hoang phế ở lĩnh vực khác. Việc ngăn cấm chỉ nói lên một điều là chúng ta quá yếu kém nếu không nói là bất cập trong quản lí. Trong công tác chỉnh trang đô thị, chúng ta phải đặt chỉnh trang đô thị song hành với thiết kế đường phố và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hưởng lợi từ chỉnh trang đô thị để không biến nơi đây thành những tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Trong phát triển đô thị, thành phố cần chú ý những công trình vừa mang dấu ấn thời đại vừa góp phần xây dựng Huế trở thành thành phố đáng sống như tháo dỡ đập đá thay vào đó là 1 cây cầu vừa tạo điểm ngắm cho sông Hương vừa đẩy lùi ô nhiễm hạ lưu sông Như Ý.
... Song hành với những nỗ lực trên là nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đây là điều ai cũng thấy cần thiết, ai cũng biết, ai cũng cảm thấy vừa tự hào vừa xấu hổ. Gần như các cơ quan, đơn vị, các địa phương, các tổ dân phố đều là đơn vị văn hóa. 80-90% các gia đình là gia đình văn hóa. Nhưng ở đâu cũng bắt gặp vứt rác bừa bãi. Kinh nghiệm quản lý xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong nước và trên thế giới không thiếu, vấn đề là ở tổ chức, hành động của chúng ta.
Phát triển du lịch luôn đồng hành với xuất khẩu tại chỗ làm sao để du khách đến Huế hài lòng về việc tiêu tiền của mình và tiêu mấy cũng cảm thấy chưa đủ. Tiêu tiền ở đâu? ở các dịch vụ nghỉ dưỡng, ở việc mua sắm, ở vui chơi giải trí. Huế là trung tâm y tế chuyên sâu, có các khu du lịch sinh thái độc đáo như Bạch Mã, Mỹ An, Thanh Tân, những nơi này là những khu du lịch khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng tốt nhất. Huế là xứ sở của ẩm thực, từ ẩm thực đường phố đến ẩm thực cung đình (riêng ẩm thực đường phố là phải coi trọng vệ sinh thực phẩm và văn minh đô thị); cần đa dạng hóa hoạt động ẩm thực, như cùng với tổ chức dạ tiệc, nên chăng cùng Nguyễn Phước tộc phục hồi các lễ vị vua, mời du khách dự lễ dự tiệc. Trong mua sắm, Huế cần soát xét hoạt động các trung tâm trưng bày sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Huế, Trung tâm trưng bày làng nghề đúc đồng, khảo sát các điểm kinh doanh hàng lưu niệm ở các điểm di tích... để có cái nhìn toàn cục hơn về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Huế. Thành phố cần có những chính sách thỏa đáng để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có tham vọng, những nhà khoa học để đưa sản xuất từ bí kíp, gia truyền đến hiện đại hóa với căn cứ khoa học của nó. Từng bước xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu tầm quốc gia và quốc tế. Chúng ta đều biết rượu Minh Mạng thang đã có thương hiệu, nay thêm rượu gạo Thủy Dương, rượu làng Chuồn; nhưng bản thân chúng ta đã tôn trọng sản phẩm mang tính “quốc hồn, quốc túy” của địa phương mình chưa hay sính ngoại vẫn là căn bệnh trầm kha? Nhiều người tự hỏi từ rượu Minh Mạng thang sao không sản xuất thang thuốc để du khách tiện dụng. Ở Huế có phấn nụ cung đình là sản phẩm khá nổi tiếng và hấp dẫn du khách, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước đều cháy hàng. Nhưng nghịch lý ở chỗ phấn nụ cung đình sản xuất mạnh ở TP Hồ Chí Minh và ở nước ngoài, trong lúc đó sản xuất ở Huế rất cỏn con. Nêu lên những điều này để thấy sản phẩm truyền thống ở Huế là tinh xảo, độc đáo, hấp dẫn, nhưng bản thân của các chủ nhân ông lại mù mờ trong tìm kiếm thị trường, chưa phân biệt được thực lực của mình và cái xã hội muốn, thiếu năng lực trong khai thác thị trường, xây dựng mẫu mã và tham vọng làm ăn lớn... Về các hoạt động giải trí, ngoài nghề ca Huế trên sông Hương. Hình như Huế chưa có một nền công nghiệp giải trí. Đây chính là khoảng trống trong phát triển du lịch dịch vụ ở Huế.
Vì một nền công nghiệp không khói
Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước. Về lí thuyết thì như vậy, nhưng trên thực tế điều này đã là hiện thực chưa, đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền địa phương chưa thì rõ ràng vẫn còn nhiều phiến diện. Trong lúc đó du lịch – dịch vụ là một ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp, tác động đến mọi người dân.
Trước hết trong phát triển kinh tế xã hội, những chỉ tiêu tăng trưởng là quan trọng. Nhưng đối với Huế nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng thành phố đáng sống, thành phố thân thiện với du khách là quan trọng hơn. Đây cũng chính là những mục tiêu bảo đảm cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững đúng thực chất nhất. Các cấp, các ngành, các địa phương phải hướng vào các mục tiêu này để xây dựng tiêu chí phấn đấu. Thí dụ như ngành nước, từ nước sạch đến nước uống an toàn tại vòi và đang phấn đấu tiến tới vừa uống nước an toàn tại vòi và nước ngon, người dân bây giờ không phải nấu nước và mua nước sạch đóng chai để uống. Ngành văn hóa thông tin phấn đấu để người dân cũng như du khách dễ dàng tìm hiểu các thông tin về Huế từ nơi nghỉ dưỡng đến điểm tham quan, nơi mua sắm, chỗ vui chơi giải trí... kể cả tự thiết kế tour tuyến với giá cả hợp lí nhất. Ngành nông nghiệp là gạo ngon, rau sạch, thủy hải sản, thực phẩm sạch, tăng hàm lượng hàng đặc sản địa phương vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn... ngành giao thông vận tải tổ chức việc đi lại dễ dàng, thuận lợi cho du khách, 4 phường nội thành có thể biến thành nơi đi bộ lí tưởng cho du khách, trong khi chưa mở được các tuyến đi bộ thì ít nhất cũng phải bảo đảm các lề đường là dành cho người đi bộ. Ngành công nghiệp coi trọng phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu các sản phẩm phục vụ du khách, chiếm lĩnh thị trường các mặt hàng lưu niệm. Ngành môi trường là đẩy lùi mọi ô nhiễm từ việc xử lí rác thải đến đẩy lùi ô nhiễm trên các dòng sông, ô nhiễm do phát triển đô thị mang lại... Rõ ràng, đây là một mũi tên vừa trúng 2 đích, vừa nâng cao chất lượng sống người dân, vừa tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là phát triển du lịch dịch vụ.
Cùng với tăng cường quảng bá, nâng tầm công tác lữ hành ngành du lịch phải khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đặc biệt là sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa du lịch và các cơ sở phục vụ du lịch, liên kết giữa các du lịch và các ngành các cấp, các địa phương. Tất cả là dành mọi thuận lợi cho du khách. Thiếu nhạc trưởng điều phối, mạnh ai nấy làm, cắt khúc trong hoạt động du lịch nó sẽ làm cho hiệu quả phát triển du lịch không cao, vừa làm phai mờ hình ảnh của Huế. Thiếu sự liên kết chúng ta sẽ không ngạc nhiên nhiều thiết chế văn hóa dày công xây dựng như trung tâm trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, trung tâm trưng bày nghề đúc, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, Không gian Lê Bá Đảng... chỉ hoạt động cầm chừng, khắc khoải... thiếu liên kết chúng ta sẽ khó hạn chế nạn cò mồi, chèo kéo, lừa gạt khách...
Cuối cùng một lĩnh vực không kém phần quan trọng trong phát triển du lịch – dịch vụ là đời sống văn hóa của người dân sở tại, đó chính là phần hồn của Huế. Cần soát xét lại cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xem xét các kinh nghiệm ở những đô thị văn minh trên thế giới để tìm những giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Cần dẹp bớt các khẩu hiệu, hoạt động đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Làm sao để du khách ngày càng hài lòng hơn, thân thiệt hơn khi tiếp xúc cùng người dân Huế.
Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước. Làm thế nào để Huế xứng tầm là một trung tâm vẫn là chặng đường dài phía trước. Năm mới, 2013 cần nhìn du lịch Huế với thái độ tích cực và thực sự quyết liệt.